Tiếp tục công bố 6 luật vừa được Quốc hội thông qua

16:46, 12/07/2017

Chiều 12-7, với sự chủ trì của Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công bố 6 Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba.

Đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14.

 

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới người chưa thành niên phạm tội; một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Trong phần các tội phạm, luật sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm; yếu tố cấu thành của một số tội phạm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; bổ sung tội danh mới là vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

 

Luật Trợ giúp pháp lý đã có sự phân biệt trợ giúp pháp lý và dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý; bổ sung nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; nâng cao vai trò của Sở Tư pháp; tập trung việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; tạo thuận lợi hơn cho người được trợ giúp pháp lý; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; sắp xếp, tinh gọn các chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

 

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã bổ sung 5 điều quy định cụ thể về các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự; bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các lĩnh vực để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật hiện hành, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích của công dân; sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua, bảo đảm việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, hiệu quả; quy định cụ thể hơn về cơ quan giải quyết bồi thường; sửa đổi toàn diện các quy định về thủ tục giải quyết bồi thường nhằm bảo đảm việc giải quyết bồi thường được nhanh chóng, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng quy định Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, bổ sung đối tượng được phục hồi danh dự, quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai; quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả theo hướng đơn giản, nhanh gọn; sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ nhằm nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, đồng thời bảo đảm hoạt động bình thường của bộ máy Nhà nước; bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.

 

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan.

 

Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Luật kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đồng thời bổ sung 2 chương, 12 điều. Lực lượng cảnh vệ, theo luật, là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Luật quy định cụ thể về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ; quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ; huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ.

 

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tạo lập những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, thống kê, hạch toán đầy đủ tài sản công, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng, quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát, lãng phí; xây dựng cơ chế khai thác tài sản công hợp lý gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở bảo đảm quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Luật gồm 10 chương, 134 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.