Tô thắm đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

10:00, 26/07/2017

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh ta vinh dự được Bác Hồ và Trung ương Đảng lựa chọn làm địa điểm An toàn khu (ATK), trở thành Thủ đô kháng chiến. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc, trong đó có việc công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7).

Nơi ghi dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt

 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã dũng cảm chiến đấu chống quân xâm lược. Trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã đổ máu trên các chiến trường. Theo lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho những người đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời tại Huế rồi đến các địa phương khác. Ở Trung ương, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập, kêu gọi đồng bào tích cực gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và đi vào giai đoạn ác liệt, số người bị thương và hy sinh tăng lên, vấn đề giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ ngày càng trở nên quan trọng.

 

Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương và một số địa phương đã họp tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), nhất trí chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. 18 giờ ngày 27/7/1947, Ngày Thương binh toàn quốc mở đầu bằng cuộc mít tinh được tổ chức tại xã Hùng Sơn với sự tham gia của 300 đại biểu, gồm đại diện nhiều cơ quan Trung ương, chính quyền và nhân dân địa phương. Tại đây, các đại biểu đã nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó, hằng năm đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7-1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

 

Đoàn viên thanh niên huyện Đại Từ dọn vệ sinh tại Di tích 27-7.

 

Sở dĩ, Thái Nguyên được lựa chọn để công bố sự ra đời của Ngày Thương binh, Liệt sĩ vì nơi đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đồng bào luôn đoàn kết, sẵn sàng đùm bọc, bảo vệ, giúp đỡ các cơ sở kháng chiến, những người bị thương trong chiến đấu. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”.

 

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay, Khu di tích Quốc gia 27-7, công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa to lớn, là nơi tưởng nhớ, vinh danh các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã tiếp tục được đầu tư tôn tạo, nâng cấp nhiều hạng mục, xứng đáng với tầm vóc của một di tích cấp Quốc gia có ý nghĩa đặc biệt.

 

Tô thắm đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

 

Vinh dự, tự hào là nơi ra đời của Ngày Thương binh, Liệt sỹ, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sự quan tâm, đóng góp của toàn xã hội. Việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn luôn được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện kịp thời, đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Hiện, tỉnh ta đang quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi đối với trên 130.000 người có công, chiếm gần 11% số dân. Trong đó có 570 Mẹ Việt Nam anh hùng, 10.821 liệt sĩ, 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 7.189 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 2.742 bệnh binh, 13.178 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học… Trên địa bàn tỉnh có trên 23.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tổng kinh phí chi trả trợ cấp và các chính sách ưu đãi hằng năm trên 650 tỷ đồng. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động hàng năm, kết quả 5 năm qua đã huy động được trên 42 tỷ đồng, sử dụng chủ yếu vào việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chính sách, người có công gặp khó khăn.

 

Công tác xây dựng, tu sửa đài tưởng niệm, nghĩa trang và mộ liệt sĩ được chú trọng. Trong 5 năm qua, các cấp, ngành liên quan đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và đóng góp của nhân dân xây dựng, sửa chữa được 47 nghĩa trang, đài tưởng niệm, đền thờ các Anh hùng liệt sĩ. Bằng hoạt động này, Thái Nguyên phấn đấu đưa các công trình ghi công liệt sĩ thực sự trở thành những địa danh lịch sử, văn hóa ở địa phương, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ cũng như bày tỏ niềm tri ân đối với các bậc cha anh đã hy sinh vì dân, vì nước. Hằng năm, vào dịp lễ, tết, các cấp, ngành đều tổ chức thăm viếng những nơi ghi công liệt sĩ; tổ chức đưa đón thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thăm một số trung tâm điều dưỡng người có công ngoài tỉnh, nơi có thương binh là người Thái Nguyên đang điều dưỡng. Công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công luôn được quan tâm chu đáo. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được cơ quan, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Đến nay có 99,65% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở nơi cư trú. 100% xã, phường trong tỉnh làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công…

 

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tốt công tác xã hội hóa và nhiều hoạt động thiết thực khác nhằm góp phần cải thiện đời sống cho người có công; làm tốt hơn nữa việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh nặng, gia đình chính sách, đặc biệt là những trường hợp còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống, góp phần tô thắm thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.