Tọa đàm khoa học về “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”

16:03, 05/07/2017

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học và giao lưu nhân chứng với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã tới dự tọa đàm cùng các bậc lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

 

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Trong những ngày này cả nước đang sôi nổi các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc. Cuộc tọa đàm này thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người luôn khắc khoải ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Cách đây 50 năm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột từ trần trước khi lên đường vào Nam, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước, chiến sỹ và nhân dân ta.

 

Thông qua những hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lời kể của các nhân chứng, cuộc tọa đàm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” là dịp để công chúng hiểu sâu sắc hơn về tình cảm, sự quan tâm, tin cậy của Người dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Qua năm tháng hoạt động, sát cánh bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành một nhà lãnh đạo lớn, có uy tín của cách mạng Việt Nam…

 

Ban tổ chức đã nhận được 32 bài tham luận, đề cập tới nhiều nội dung phong phú, chất lượng khoa học cao, góp phần khẳng định, làm sáng tỏ thêm những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã tới dự tọa đàm và có bài tham luận “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến trường miền Nam”. Trong bài viết, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở cương vị lãnh đạo cao nhất, anh lúc nào cũng xông xáo thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào, chiến sỹ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển, tạo bước ngoặt mới cho cách mạng, tự tôi rèn mình trong đấu tranh cách mạng… Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta. Trọn đời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, là một trong những cán bộ lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, của Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Anh là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh”.

 

Chia sẻ tại cuộc giao lưu nhân chứng, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1986-1995), Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu II (1978-1986) cho biết: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị tướng của phong trào. Năm 1960 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến Đại đội 2 sơn pháo thuộc Trung đoàn pháo binh 64, Sư đoàn 304 nắm bắt thực tiễn các phong trào thi đua. Đồng chí đã khái quát thành phong trào thi đua “Ba nhất”, phát động trong toàn quân, dân quân tự vệ, nêu cao tinh thần “rẽ sóng ra khơi”. Phong trào thi đua “Ba nhất” đã trở thành một trong 3 phong trào yêu nước ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm 1960-1963. Hai phong trào “Sóng Duyên hải”, “Gió đại phong” cũng đều do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát động trước khi đồng chí được điều động ra làm Trưởng ban Nông nghiệp của Đảng…

 

Sau này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương điều động trở lại quân đội, cử đi B giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, tham gia lãnh đạo cách mạng miền Nam, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Từ chiến trường miền Nam đã xuất hiện, lan tỏa các phong trào “Dũng sỹ diệt Mỹ”, các khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà giệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt…”. Đây đều là những khẩu hiệu hành động mang đậm dấu ấn Nguyễn Chí Thanh; không chỉ có sức động viên, cổ vũ lớn mà còn là phương hướng hành động của quân và dân miền Nam…

 

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định: Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn gắn liền với thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ. Cống hiến to lớn của Đại tướng đã góp phần quan trọng xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh. Là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của quân đội ta, đồng chí đã chỉ đạo, xây dựng, phát triển Tổng cục Chính trị; đặc biệt là cống hiến trong phát triển lí luận xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; xây dựng phong trào hợp tác xã nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác…

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, nhân dân lầm than, cực khổ, từ nhỏ, Nguyễn Vịnh đã phải đi làm thuê để giúp đỡ gia đình. Từ đó nhen nhóm trong anh tình nhân ái với đồng bào, lòng căm thù kẻ áp bức, bóc lột dân tộc mình...

 

Từ năm 1933-1934, Nguyễn Vịnh được các đồng chí Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu giác ngộ, dẫn dắt tham gia phong trào cách mạng. Tháng 7/1937, đồng chí Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ thôn Niêm Phò - tổ chức Đảng đầu tiên ở huyện Quảng Điền. Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Vịnh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên…

 

Tháng 8/1945, đồng chí được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại Hội nghị, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Từ đây, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí…

 

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã nêu gương trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, có phong cách làm việc gần gũi với nhân dân, lối sống trong sạch, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng đội…/.