Từ ngày 20-22/7/2017, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia, theo lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2017), chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, là dịp để hai bên nhìn lại thành quả quan hệ 50 năm qua và mở ra một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hai nước.
* Tài sản thiêng liêng cần được giữ gìn
Cách đây 50 năm, trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Campuchia là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Là hai nước láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1137 km, có vùng biển liền kề, có sông Mekong nối liền hai nước, trong lịch sử, hai nước đã cùng chung chiến hào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lật đổ chế độ diệt chủng và ngày nay đang hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm qua, mặc dù có biết bao khó khăn, thử thách với nhiều thăng trầm nhưng tình đoàn kết, hữu nghị quyền thống, sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia đã không ngừng được củng cố, phát triển. Đây là tài sản vô giá, thiêng liêng và bền vững của hai dân tộc, cần được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục gìn giữ, vun đắp để mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và toàn diện.
Trong bối cảnh Việt Nam và Campuchia đều thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Cả hai nước đều hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên cơ sở các nguyên tắc: Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của mình chống lại nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.
* Chất keo kết dính tình hữu nghị bền chặt
Trong những năm qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tình hình ở mỗi nước cũng có những khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực, cố gắng của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia của mỗi nước.
Hai bên tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, hai bên đã trao đổi trên 150 đoàn các cấp. Nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được ký kết, làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai bên. Hợp tác kinh tế chính là chất keo kết dính tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng bền chặt.
Hiện Việt Nam có 183 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký khoảng 2,8 tỷ USD. Các dự án trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng, trung bình trong 5 năm gần đây đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Không chỉ giúp Campuchia phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn là những nhà đầu tư có trách nhiệm, làm tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện đời sống người dân địa phương, được phía Campuchia ghi nhận và đánh giá cao. Định hướng đến năm 2020, nguồn vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia sẽ đạt 6 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Campuchia có tiềm năng đầu tư.
Hàng năm Việt Nam dành cho Campuchia hàng nghìn suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Campuchia cũng giúp Việt Nam đào tạo cử nhân ngôn ngữ, văn hóa Khmer. Quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp , giữa các đoàn thể quần chúng và giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới hai nước ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả. Điển hình như tỉnh Prec Sihanuk của Campuchia có quan hệ kết nghĩa với thành phố Hải Phòng, có quan hệ hợp tác với tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước, an ninh, an toàn biên giới trên bộ và trên biển; đồng thời chủ động, tích cực phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và các diễn đàn hợp tác Tiểu vùng sông Mekong.
Đây là lần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Campuchia vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường khóa IV; quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục được củng cố, tăng cường trên các lĩnh vực. Qua chuyến thăm, Việt Nam khẳng định đường lối, chủ trương nhất quán, luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với Campuchia và Đảng Nhân dân Campuchia. Chuyến thăm nhằm tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Campuchia; tiếp tục thúc đẩy thực hiện có kết quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; tạo điều kiện chính trị thuận lợi cho việc thúc đẩy giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững./.