Để công tác chuyên môn đạt hiệu quả cao, góp phần thiết thực vào nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Toà án Nhân dân tỉnh đã có nhiều giải pháp để nâng cao trình độ chuyên, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong các cơ quan Toà án hai cấp. Việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trong biên chế và chuẩn hoá đầu vào khi tuyển dụng mới đã giúp ngành Toà án hai cấp trong tỉnh có được nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đến nay, Toà án Nhân dân tỉnh và Toà án Nhân dân 9 huyện, thành, thị (Toà án hai cấp) đã có đội ngũ cán bộ chủ chốt chuẩn về trình độ chuyên môn (tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên) và có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Đối với công chức, người lao động trong hệ thống cơ quan Toà án hai cấp đều được lãnh đạo các đơn bố trí phù hợp giữa trình độ với vị trí công tác. Cụ thể, trong tổng số 153 cán bộ có chức danh tư pháp của Toà án hai cấp đã có 17 người có trình độ thạc sĩ, số cán bộ còn lại đều có trình độ đại học chuyên ngành luật. Đặc biệt, công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng được Ban Cán sự Toà án Nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm nên đã thường xuyên tổ chức, sắp xếp nội bộ các đơn vị để cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn.
Hiện, các đơn vị thuộc Toà án hai cấp của tỉnh đã có 28 cán bộ có trình độ cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị, 74 cán bộ có trình độ trung cấp chính trị (100% cán bộ quản lý từ cấp phó, trưởng phòng chuyên môn, phó chánh án đều có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên). Đồng chí Trần Khánh Hồng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng (Toà án Nhân dân tỉnh) cho biết: Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cấp uỷ của Toà án 2 cấp trong tỉnh đã cụ thể hoá, có chính sách đặc thù để khuyến khích cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập nâng cao trình độ. Từ năm 2010 đến nay, lãnh đạo Toà án hai cấp trong tỉnh đã cử 24 cán bộ đi học cao học chuyên ngành luật, 13 cán bộ đi học đại học, 13 cán bộ đi đào tạo nghiệp vụ xét xử, 16 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị, 29 cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị và nhiều lượt cán bộ được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày, kiến thức quốc phòng.
Ở tất cả các đơn vị trong ngành Toà án hai cấp trong tỉnh, không chỉ có cán bộ trẻ đăng ký kế hoạch học tập mà kể cả những cán bộ còn thời gian công tác từ 5 năm trở lên đều đăng ký học tập nâng cao trình độ. Đối với nguồn nhân lực mới tuyển dụng, Ban Cán sự Toà án Nhân dân tỉnh đều chỉ đạo các bộ phận chức năng xây dựng tiêu chí làm chuẩn hoá trên cơ sở quy định của Ngành nên 66 người được tuyển dụng, tiếp nhận vào cơ quan Toà án 2 cấp trong tỉnh từ năm 2010 đến nay khi được giao công việc đều tiếp cận rất nhanh.
Ngoài việc quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá cán bộ, từ năm 2010 đến nay, Ban Cán sự Toà án Nhân dân tỉnh đã thường xuyên tổ chức đánh giá cán bộ làm cơ sở thực hiện việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý, giới thiệu cán bộ tham gia ứng cử vào các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Trên cơ sở kết quả đánh giá cán bộ đương chức, cán bộ trong diện quy hoạch theo nhiệm kỳ và từng năm, Ban Cán sự Toà án Nhân dân tỉnh đã lựa chọn được nhưng hạt nhân có sở trường, năng lực quản lý để bố trí vào các vị trí quản lý cấp phòng, lãnh đạo của Toà án Nhân dân cấp huyện.
Đồng chí Bùi Đức Thuận, Chánh án Toà án Nhân dân huyện Đồng Hỷ cho biết: Việc xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh là cơ sở quan trọng để các đơn vị đánh giá cán bộ hàng năm. Các đơn vị sẽ giới thiệu, tham mưu cho Ban Cán sự Toà án Nhân dân tỉnh về việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ chính xác, khoa học. Việc quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, đơn vị trong việc đánh giá cán bộ thường xuyên và định kỳ đã giúp triển khai công tác này nghiêm túc, hiệu quả.
Còn đồng chí Nguyễn Ích Yên, Chánh án Toà án Nhân dân huyện Phú Bình thông tin thêm: Việc tăng cường giám sát, kiểm tra trong Ngành đã giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của Ngành. Đặc biệt, sau mỗi lần cơ quan cấp trên, tập thể cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị tổ chức đánh giá, nhận xét cán bộ đều công bố cụ thể ưu điểm, khuyết điểm của từng người. Từ đó, mỗi cán bộ tiếp tục phát huy mặt mạnh, rèn luyện khắc phục khuyết điểm.
Các mặt công tác từ đánh giá; đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; quy hoạch, luân chuyển; tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ… đều được tập thể Ban Cán sự, lãnh đạo Toà án Nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức đảng, đầu mối trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ. Do vậy, các đơn vị thuộc Toà án hai cấp trong tỉnh đều có sự đồng thuận, đoàn kết trong thực hiện công tác quản lý nói chung và công tác cán bộ, tổ chức bộ máy nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Tỉnh uỷ viên, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh cho biết: Xác định cán bộ là gốc của mọi việc nên trong những năm qua, tập thể Ban Cán sự, lãnh đạo Toà án Nhân dân tỉnh luôn quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Đồng thời, cấp uỷ đơn vị đã phối hợp chắt chẽ với các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh uỷ, Thường trực cấp uỷ của 9 huyện, thành, thị để thực hiện hiệu quả các mặt công tác liên quan đến xây dựng đội ngũ, bộ máy trong ngành. Các bước quy trình trong công tác tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng được cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên và tính đặc thù của từng địa phương, đơn vị nên không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm trong việc bổ nhiệm, bố trí người thân trong công tác cán bộ.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực nêu trên nhưng tập thể Ban Cán sự, lãnh đạo Toà án Nhân dân tỉnh vẫn xác định đây là nhiệm vụ then chốt, cần tập trung nhiều giải pháp để thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020 và giai đoạn tiếp theo.