Có hai điều kiện chủ quan đóng vai trò quyết định: Đó là quá trình chuẩn bị lâu dài của Đảng ta, dân ta. Đó là việc dự đoán thời cơ rất trúng, để rồi sau đó chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Bác Hồ và Đảng ta đã chuẩn bị “củi lửa” cho cuộc nổi dậy lịch sử từ năm 1939; chuẩn bị về đường lối, chuẩn bị về căn cứ địa và chuẩn bị con người, vũ khí.
Câu chuyện của mấy anh em lính cũ diễn ra vào một sáng chủ nhật đầu tháng Tám này. Dân Văn phòng Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam gặp nhau, sau những chuyện đời thường lại quay qua chuyện chính trị. Bây giờ tuổi đã thất thập rồi, nhưng xem ra bác nào cũng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Trí nhớ thì đúng là “kì quan” của người cao tuổi.
Gặp nhau bữa nay có một vị Tướng, một nhà báo, một nhà sử học và một... cựu chiến binh biết làm giàu, vừa đủ “bộ tứ” cho cuộc rượu. Trước hết phải kể đến ông biết làm giàu. Ông bảo, ở lính về với quân hàm thiếu tá, ông đã trải qua ba giai đoạn: Húc ra tiền, làm ra tiền, nghĩ ra tiền. Bây giờ thì đã mon men đến cửa “chơi ra tiền”!
Nhà sử học dáng người nhỏ nhắn ngọ nguậy trên chiếc ghế bọc da quá rộng: “Tôi nhớ có thể không nguyên văn: Trong mọi thứ sáng tạo của con người thì sáng tạo đồng tiền là gần với ma quỷ hơn cả. Nhưng hôm nay gặp nhau tôi muốn hỏi ý kiến các ông đây. Về hưu cả chục năm rồi, các ông còn nhớ câu chuyện tranh luận nảy lửa hồi cánh mình còn làm ở bộ phận nghiên cứu không?”. Vị tướng linh hoạt hẳn lên: “Là chuyện thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có phải sự gặp may của lịch sử? Là thành quả ấy có phải trái chín rụng? Hôm ấy, một vị ở cơ quan dân sự bảo rằng, Cách mạng tháng Tám là một sự gặp may của lịch sử (!). Nhà nghiên cứu nọ cho rằng, sau cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương vào ngày 9-3-1945 thì Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không còn là thuộc địa của Pháp, mà là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai đã bị quân Đồng Minh đánh cho tơi tả, buộc phải tuyên bố đầu hàng. Lúc này xuất hiện “khoảng trống quyền lực” ở Đông Dương. (Pháp thua Nhật, Nhật thua Đồng Minh ). Cho nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám mới như nước vỡ bờ, thắng lợi mới nhanh chóng như thế.
Nhà sử học hào hứng: “Bác đúng là Tướng, cứ đụng đến súng ống là nhớ vanh vách. Có điều lúc bấy giờ cánh lính chúng mình có tranh luận tóe lửa nhưng còn thiếu lí lẽ, cho nên “nhà nghiên cứu” kia cũng chưa thật tâm phục khẩu phục. Còn bây giờ thì sự thật đã rõ như ban ngày. Và chính là các nhà sử học nước ngoài đã có những đánh giá rất khách quan. Sự thật như quả bóng. Anh cố nhấn nó xuống nước, nhưng rồi nó lại nổi lên. Mọi sự xuyên tạc lịch sử cũng giống như cầm mũi dùi toan đâm thủng quả bóng”.
Thỉnh thoảng, không khí cuộc hội ngộ chợt lắng xuống khi nhớ về một người đồng đội hi sinh. Sau đó chuyện cũ lại đan xen chuyện mới. Từ cách làm giàu sang nẻo vào văn hóa, lịch sử. Từ chuyện trên trời sang chuyện biển Đông. Nhưng chủ đề tháng Tám vẫn rôm rả nhất.
Vẫn nhà lịch sử say mạch chuyện: Đúng là khi Liên Xô và Đồng Minh đánh bại phát xít Nhật giống như luồng gió đẩy cánh diều cách mạng Việt Nam bay lên. Nhưng không phải “ngon lành” như bày cỗ. Các ông nhớ cho, có hai điều kiện chủ quan đóng vai trò quyết định. Đó là quá trình chuẩn bị lâu dài của Đảng ta, dân ta. Đó là việc dự đoán thời cơ rất trúng, để rồi sau đó chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Mà Bác Hồ và Đảng ta thì đã chuẩn bị “củi lửa” cho cuộc nổi dậy lịch sử từ năm 1939 kia. Chuẩn bị về đường lối, chuẩn bị về căn cứ địa và chuẩn bị con người, vũ khí. Rồi đến năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8, Đảng đã khẳng định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; khởi nghĩa vũ trang là một tất yếu; từ đó có thể tiến hành khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương giành thắng lợi, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước... Đó, tại sao lại có sự gặp may ở đây?
Ông thiếu tá biết làm giàu tay nâng li, tay vỗ đùi: Đáo để! Đáo để! Hôm nay nghe ông nói tôi mới hiểu rõ, hiểu sâu thêm về thời cơ. Chứ nói thật, lâu nay có đọc, có nghe, nhưng nó cứ lùng bà lùng bùng trong tai. Nhưng thôi, ôn chuyện cũ thế được rồi. Tôi muốn hỏi các “giáo sư” về cái thời cơ hôm nay kia. Rằng, công cuộc đổi mới của chúng ta đúng là một kì tích, nhưng nguy cơ tụt hậu thì vẫn nguyên. Vì đâu nên nỗi cái món nợ công, nợ xấu cao như thế. Phải đi vay để trả nợ là gay rồi. Có một vị lãnh đạo bảo, lâu nay điều hành ngân sách cứ như đi trên dây thế là sao? Bây giờ thì ta phải giải cái bài toán này. Làm sao để bảo đảm kinh tế tăng trưởng, tìm cách giảm nợ công? Vụ này là phải “làm”, phải “nghĩ” đấy chứ không “chơi” được. Vậy, cái thời cơ hôm nay nó nằm ở đâu? Nào xin Ông Tướng cho lời "vàng".
Vị tướng chả phải suy nghĩ lâu: Thời cơ thì phải tạo dựng, chứ không được ngồi chờ. Khi có thời cơ rồi thì phải chớp thời cơ. Thời cơ lớn hiện nay là chúng ta đã qua cái thời một mình một chợ. Chúng ta là thành viên WTO và nhiều tổ chức kinh tế, chính trị lớn khác, nhưng thời cơ lớn nhất là mình có điều kiện hợp tác và tham gia các liên minh kinh tế khu vực. Thế rồi mình là nước đang phát triển, mình có thể tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật của thế giới và khai thác các nguồn đầu tư của nước ngoài. Ta vẫn nói "đi tắt đón đầu" thì phải dựa vào cái “làng toàn cầu” ấy. Còn có một thời cơ, vẫn nóng bỏng như trong Cách mạng tháng Tám là truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù, thông minh, hiếu học của dân ta. Tôi thấy các nước giàu có, nhất là các nước ở nhóm G7 người ta rất coi trọng hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm của họ. Còn ở ta thì còn nặng về những sản phẩm hàng hóa khai thác, xuất khẩu thô. Ông Tổng thống Tiểu vương quốc Dubai, một trong bảy Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất nói rằng, sở dĩ nước ông ấy giàu là vì đất nước chả có gì, phía trước không có gì che chắn tầm nhìn, mênh mông là sa mạc, là cát. Không tiến lên thì chỉ có chết thôi. Lâu nay ta cứ tưởng Dubai giàu là nhờ khai thác dầu khí, nhưng không phải thế, nguồn thu từ dầu khí chỉ chiếm 5% GDP của Tiểu Vương quốc này. Họ giàu vì họ đã đưa được rất nhiều hàm lượng trí tuệ vào các sản phẩm kinh tế, như: Dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch...
Tôi lại thấy có một thời cơ gần gặn với chúng ta hơn – nhà sử học tiếp lời - thời cơ ấy là làm. Làm ngay. Có nhiều việc bàn thế đã quá đủ.Tôi rất thích câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại ý: Con đường dài nhất ở Việt Nam là con đường từ nói đến làm. Các cụ ngày trước cũng nói: Lời nói là hoa, việc làm mới là quả. Vậy thì thời cơ nghĩa là hành động. Người có cương vị cao làm những việc lớn cho dân, cho nước, gương mẫu, không sa vào tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm. Người dân, cán bộ bình thường thì lo làm tròn bổn phận của mình, hằng ngày tích thiện, làm những việc tử tế. Những vụ việc tiêu cực, ngang trái, vô cảm, trong thời gian qua chính là những thách thức, cản trở sự đi lên của đất nước. Nhưng thách thức không cản bước thời cơ. Con đường lớn vượt muôn trùng khó khăn, thách thức là con đường của lòng Dân - ý Đảng.
Những câu chuyện trên rừng dưới biển chỉ tạm dừng khi “bà xã” của cựu chiến binh biết làm giàu bưng lên “mâm cơm rau dưa”. Bữa cơm có một món đặc biệt là rau sam chấm mắm cáy uống với rượu tuyết liên hoa. Ông cựu thiếu tá kể rằng, mấy tháng trước đi du lịch Mông Cổ, ông mua được mấy bông tuyết liên hoa. Cách nay gần 1.000 năm, Thành Cát Tư Hã - vị tướng nổi tiếng của Mông Cổ, thường uống loại rượu có ngâm bông hoa này. Nghe nói ai “ăn” tuyết liên hoa thì có sức khỏe phi thường, có thể cởi trần đi trong tuyết lạnh. Vâng, chúc mọi người sức khỏe. Có sức khỏe là có tất cả. Có sức khỏe mới đủ khả năng tạo ra thời cơ trong cuộc sống, không bỏ mất đi những cơ hội vàng.
Nhà báo từ đầu tới giờ lặng lẽ nhìn mọi người và lắng nghe, giờ mới góp vào bữa rượu mấy câu thơ của Thanh Hải trong bài Mùa thu ở Huế: “Mùa thu từ năm đó/Mùa thu từ bắt đầu/Cho năm tháng mai sau/Cho những ngày rực rỡ”./.