Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Kinh nghiệm ở Đại Từ

10:46, 17/08/2017

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Thời gian qua, Đảng bộ huyện Đại Từ đã làm khá tốt công tác này.

Nhận thức rõ vị trí quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với tổ chức cơ sở đảng, thời gian qua, Đảng bộ huyện Đại Từ đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể với những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trong quá trình chỉ đạo, huyện luôn bám sát nhiệm vụ “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng đời sống văn hóa là nền tảng”, trên cơ sở đó cụ thể hóa các nhiệm vụ cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

 

Điển hình trong việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền cơ sở, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền bổ sung quy chế hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đi đôi với quy định cụ thể mối quan hệ làm việc nên đã hạn chế được việc bao biện làm thay hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

 

Trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền, đã lựa chọn khâu có tính đột phá để thực hiện, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2016 đạt trên 169 tỷ đồng, vượt kế hoạch 16%, tăng 9,8% so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,7%, giảm trên 4% so với năm 2015; vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động được thực hiện tốt, đảm bảo an sinh xã hội; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững... Nhờ làm tốt công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhiều địa phương đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội như thị trấn Hùng Sơn, các xã Hà Thượng, Cù Vân...

 

Đồng chí Đặng Cương Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Cù Vân cho biết: Nếu như trước kia, một số cán bộ ít đi cơ sở, ngại tiếp xúc với người dân thì nay, các cán bộ xã thường xuyên xuống cơ sở, tăng cường trực tiếp đối thoại với người dân, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để kịp thời giải quyết bức xúc, mâu thuẫn ngay tại cơ sở. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã đã thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phân công lại nhiệm vụ, trách nhiệm của các thành viên Ban Chấp hành, để mỗi thành viên phát huy được đúng năng lực, sở trường, giải quyết công việc hiệu quả.  

 

Công tác lãnh đạo của cấp ủy huyện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cũng được đặc biệt quan tâm, thông qua việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị - xã hội, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ theo định hướng lâu dài, tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn tiếp theo. Các cấp ủy trong Đảng bộ huyện đã chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và cụ thể hóa các nội dung thành chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Nhờ đó, công tác này đã đạt hiệu qủa nhất định, kịp thời phát hiện những sai phạm và xử lý kịp thời. Từ năm 2007 đến hết năm 2016, các tổ chức đảng trong Đảng bộ huyện đã thi hành kỷ luật 308 đảng viên vi phạm.


Thực hiện nghị quyết, chỉ thị, thông báo của Bộ Chính trị về thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện, trong nhiệm kỳ 2005-2010, cấp ủy huyện đã chỉ đạo thí điểm chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư đảng bộ đồng thời là chủ tịch UBND xã tại Đức Lương; nhiệm kỳ 2015-2020, đã thực hiện nhất thể hóa chức danh này ở xã Bản Ngoại; hai nhiệm kỳ vừa qua, có 90% đảng bộ các xã, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; ở cấp huyện đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND huyện. Nhờ đó, huyện đã tiết kiệm được biên chế và ngân sách địa phương; nghị quyết của cấp ủy được xây dựng sát với với thực tiễn; việc “nhất thể hóa” chức danh nêu trên đã giảm bớt một số cuộc họp, tiết kiệm thời gian, kinh phí mua sắm trang thiết bị, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu qủa quản lý hành chính; nội bộ cấp ủy, chính quyền đoàn kết, thống nhất hơn; đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm hẳn so với trước.

 

Huyện ủy đã chỉ đạo sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; chỉ đạo UBND huyện hướng dẫn các cơ quan, đơn vị rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh giản, bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 58 tổ chức cơ sở Đảng (giảm 14 đầu mối tổ chức cơ sở đảng); UBND huyện còn 13 phòng chuyên môn (giảm 3 phòng so với trước đó); đơn vị sự nghiệp giáo dục và đạo tạo còn 106 đơn vị (giảm 2 đơn vị)... Qua việc rà soát, điều chỉnh đã khắc phục được những chồng chéo, bất cập trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác giữa các cơ quan thuộc huyện, góp phần giúp cho bộ máy hoạt động của các phòng, ban, ngành thuộc huyện được sắp xếp khoa học, phát huy hiệu qủa công việc chuyên môn.

 

Những đổi mới trong xây dựng hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo được sức mạnh từ cơ sở để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.