Thái Nguyên có 9 huyện, thành phố và thị xã, với 180 xã, phường, thị trấn, tổng dân số hơn 1,2 triệu người, thuộc 8 dân tộc chính. Hiện 100% xã, phường, thị trấn có ban thanh tra nhân dân; ban giám sát đầu tư cộng đồng và 3.020/3.036 xóm, tổ dân phố có ban công tác Mặt trận hoạt động.
Để phát huy có hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, MTTQ tỉnh luôn chú trọng triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC). Coi đây là một trong những nội dung thường xuyên, trọng tâm, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Những năm qua MTTQ các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy tổ chức triển khai, quán triệt văn bản, chỉ thị của cấp ủy và các hướng dẫn của Ủy ban MTTQ quốc cấp huyện; Tăng cường công tác tuyên truyền và quán triệt bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; lồng ghép các hội nghị thông qua trưởng ban công tác mặt trận, các tổ chức thành viên, in tài liệu tuyên truyền cấp phát đến cán bộ cấp xã và bí thư chi bộ, trưởng xóm. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội hàng năm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất nội dung chương trình giám sát, phản biện và xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp trước khi triển khai thực hiện.
Gần đây nhất, trong tháng năm vừa qua, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát, ban hành quyết định giám sát thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tiến hành 6 cuộc khảo sát trực tiếp việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại 6 xã, phường, thị trấn.
Các tổ chức thành viên của MTTQ chủ động tổ chức nhiều cuộc giám sát như: thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, công tác vệ sinh an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng, tham gia tham gia phối hợp giám sát cùng Đoàn ĐBQH, HĐND giám sát về các vấn đề về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các vấn đề cử tri quan tâm; tham gia cùng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh kiểm sát trực tiếp toàn diện việc tuân theo pháp luật trong công tác quản lý về tạm giữ, tạm giam Trại tạm giam Công an tỉnh, một số nhà tạm giữ Công an các huyện, thành phố, thị xã.
Thực hiện chức năng góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ các cấp đã phối hợp các tổ chức thành viên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức 16 cuộc tiếp xúc cử tri, với 1.699 cử tri tham dự, tham gia 184 lượt ý kiến trước kỳ họp; phối hợp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp của Quốc hội; giám sát việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng; tổ chức tiếp công dân và giám sát việc trả lời đơn thư của công dân của các cơ quan chức năng; tổng hợp phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân thông qua phiếu phản ánh của các vị ủy viên Ủy ban MTTQ. Hiện toàn tỉnh đã có 3.031 xóm, tổ dân phố xây dựng được quy ước, hương ước (đạt 99,8%), trong đó có 2.974 bản hương ước, quy ước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong thực hiện QCDC tại các xã, phường thị trấn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục phát huy được vai trò, chức năng nhiệm vụ, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các ban này đã tổ chức giám sát 630 vụ việc, chủ yếu về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách, các công trình xây dựng, giao thông nông thôn và thực hiện hòa giải thành nhiều vụ việc vướng mắc trong nhân dân.
Từ triển khai có hiệu quả QCDC ở cơ sở, Ủy ban MTTQ các cấp đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng dân cư, làm hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nâng cao uy tín của tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.