Sức vươn của một vùng quê cách mạng

07:16, 01/08/2017

Đại Từ là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và giàu tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên. Nhờ phát huy tốt lợi thế đó, những năm gần đây, huyện đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhắc đến Đại Từ, mọi người lại nghĩ về một vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng trong suốt những năm tháng kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc. Từ giữa thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để chống lại sự áp bức, bóc lột, đàn áp của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Năm 1936, tại xã La Bằng (Đại Từ), cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập, làm tiền đề cho sự phát triển của toàn Đảng bộ tỉnh sau này. Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), huyện Đại Từ có vị trí chiến lược quan trọng, vừa là An toàn khu (ATK), vừa là cửa ngõ của Thủ đô kháng chiến. Nhân dân trong huyện đã nhường nhà cửa, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đem sức lực và của cải bảo vệ Đảng, Chính phủ, Quân đội, bảo vệ Thủ đô kháng chiến. Đại Từ trở thành lá chắn vững chắc của vùng ATK...

 

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để nhanh chóng hòa nhịp với dòng chảy đổi mới của đất nước, qua đó đã có bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ chỗ sản xuất mang tính độc canh, tự cung tự cấp, năng suất thấp, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng cơ sở thấp kém, Đại Từ đã chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và duy trì liên tục ở mức tăng trưởng khá.

Các thí sinh tham gia phần thi sao chè tại Lễ hội Trà Đại Từ năm 2017.

 

Xác định, nông nghiệp là thế mạnh của huyện, Đại Từ đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là tập trung kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung. Với suy nghĩ, muốn hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trước tiên phải xác định được loại cây trồng mũi nhọn. Muốn xác định được loại cây trồng mũi nhọn phải căn cứ vào điều kiện đất đai, thủy lợi, địa hình và không thể bỏ qua yếu tố con người. Trên cơ sở những mô hình sản xuất hiệu quả, huyện đã có sự hỗ trợ về mọi mặt để bà con phát triển thành những vùng sản xuất. Từ đó đã dần hình thành một số vùng sản xuất tập trung: củ đậu, dưa hấu ở Bản Ngoại, rau ở Hùng Sơn, bưởi Diễn ở Tiên Hội… Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Trong sản xuất nông nghiệp ở Đại Từ, không thể không nhắc đến cây chè, lâu nay chè vẫn được xem là cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở đây. Hiện với diện tích trên 6.000ha chè, 24 làng nghề chè, 13 tổ hợp tác và 15 tổ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh với nhiều vùng chè ngon nổi tiếng như: La Bằng, Hoàng Nông, Khuôn Gà... Với một loạt những giải pháp trong phát triển nông nghiệp, Đại Từ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tái cơ cấu nội ngành nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 70 nghìn tấn, giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng.

 

Kinh tế ngày càng phát triển, các địa phương có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, cùng với các nguồn vốn như: vốn trực tiếp cho Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn tín dụng, vốn của doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn huyện đã hiến trên 177ha đất và tài sản trên đất trị giá gần 120 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Qua đó góp phần làm cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được triển khai một cách đồng bộ. Cụ thể, huyện đã xây dựng, cải tạo và nâng cấp được gần 600km đường giao thông các loại và kênh mương nội đồng; 62 công trình thủy lợi; xây dựng mới 4 nhà văn hóa xã...

 

Ngoài ra, huyện đã đầu tư xây dựng trụ sở  làm việc các cơ quan và trụ sở UBND các xã; cải tạo, nâng cấp 6 Chợ nông thôn. Đặc biệt, trong những năm qua, huyện Đại Từ là một trong những huyện đã triển khai làm được đường giao thông nhiều nhất tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển quan trọng, 100% các xóm đã có điện lưới quốc gia, 95% số trường học đã đạt chuẩn, 100% các xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên...

 

Cùng với phát triển nông nghiệp, nhằm tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, hạ tầng, thời gian qua, huyện đã tập trung thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án. Để có thể mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn, huyện xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và mục tiêu lâu dài, trong đó trước mắt tập trung vào cải cách các thủ tục hành chính, tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm đến. Đến nay, huyện có 4 cụm công nghiệp, trong đó có nhiều dự án lớn được triển khai và hoạt động hiệu quả. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011-2016 đạt trên 2.394 tỷ đồng. Riêng năm 2016, huyện đã thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

 

Có thể nói, Dự án xây dựng Khu đô thị kiểu mẫu số 1 thị trấn Hùng Sơn và Chợ trung tâm Đại Từ là bước đột phá cho sự phát triển mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn thị trấn nói riêng và huyện Đại Từ nói chung. Dự án được khởi công xây dựng từ cuối năm 2016 đến nay cơ bản đã hoàn thành, bao gồm khu dân cư với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; biệt thự, nhà phố thương mại… với tổng số 545 hộ. Ngoài ra, Dự án còn có bể bơi ngoài trời, công viên cây xanh, quảng trường, trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà trẻ, trường mầm non quốc tế, chợ trung tâm. Dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng không những tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn tạo điểm nhấn về bộ mặt đô thị trên địa bàn...

 

Trải qua 95 năm xây dựng, phát triển, đến nay, huyện Đại Từ đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, “khoác” trên mình tấm áo mới, mang màu sắc của sự ấm no, văn minh, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ được nâng lên. Kết quả đó không chỉ là kết tinh từ tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân, mà còn là sự tích cực đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Đại Từ hôm nay, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, Đảng bộ và nhân dân vẫn quyết tâm một lòng xây dựng huyện trở thành một khu vực phát triển kinh tế năng động của tỉnh, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế bền vững kết hợp với bảo đảm an sinh xã hội, khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trung tâm huyện, hình thành và từng bước phát triển ngành du lịch, phấn đấu đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020...