Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế APEC 2017

11:21, 29/09/2017

Tiếp tục chương trình Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017, sáng 29/9, tại TP. Huế đã diễn ra đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ APEC 2017 cho biết, Diễn đàn sẽ thông qua Tuyên bố về tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi.

“Đây là mong muốn của tất cả chúng ta nhằm xây dựng một APEC đổi mới hơn nữa để phụ nữ cũng như trẻ em gái, hay bất kỳ một người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và phải được thực thi bằng ý chí và nỗ lực cao nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Sau gần 30 năm kể từ khi thành lập, đến nay, APEC đã khẳng định bình đẳng giới là trung tâm của sự phát triển kinh tế và nguồn nhân lực.

Các báo cáo cho thấy rằng nhiều nền kinh tế APEC đã thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua việc kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế-xã hội. Do đó, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các nền kinh tế APEC đã và đang hướng tới.

Song song với việc đầu tư nguồn tài chính, cũng cần cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghiên cứu ở nhiều nền kinh tế cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng từ 2,4 đến 6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm. Các chính sách này sẽ thúc đẩy việc làm nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng.

Theo ông Đào Ngọc Dung, Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trong APEC đang phải đối mặt với kinh tế tăng trưởng chậm lại, do đó việc thúc đẩy các cải cách kinh tế và tiếp tục bảo đảm các tiến bộ về kinh tế-xã hội là rất cần thiết.

Các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững sẽ là chìa khóa để thực hiện xóa nghèo, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển thân thiện với môi trường. Việc này cũng đòi hỏi phải có một nền quản trị quốc gia tốt hơn, có khả năng cung cấp các dịch vụ và phân bổ các nguồn lực một cách công bằng.