Ngày 16/9, tại thủ đô Manila, Philippines, lễ khai mạc trọng thể Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 38 (AIPA-38) đã diễn ra với chủ đề “AIPA và ASEAN: Đối tác vì sự thay đổi bao trùm”.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham gia đại hội và có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận toàn thể thứ nhất.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ năm 2017 là một năm đặc biệt, đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, đồng thời kỷ niệm 40 năm Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) được thành lập. Đại Hội đồng AIPA-38 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và bất ổn tại nhiều nơi, tranh chấp lãnh thổ, khủng bố quốc tế và sự gia tăng của những vấn đề an ninh phi truyền thống như môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hay xu thế bảo hộ mậu dịch trong liên kết kinh tế quốc tế, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, ổn định và phát triển kinh tế ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, Quốc hội Việt Nam cho rằng AIPA, cùng với ASEAN, cần luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, đồng thời đóng góp hiệu quả và toàn diện vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng trong giai đoạn phát triển mới của cả ASEAN và AIPA, hợp tác giữa ASEAN và AIPA cần đổi mới theo hướng gắn kết, thiết thực và hiệu quả hơn, trong đó tập trung: (i) thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển đều trên cả 3 trụ cột, trở thành động lực duy trì hòa bình, ổn định và tăng trưởng bền vững, thịnh vượng ở khu vực; (ii) tăng cường đoàn kết ASEAN và nâng cao nhận thức chung về Cộng đồng ASEAN; (iii) củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Do vậy, để đóng góp vào sự phát triển và thành công của AIPA cũng như của ASEAN, Việt Nam đóng góp 5 ý kiến đề xuất đối với AIPA gồm:
Thứ nhất, AIPA cần nỗ lực hơn nữa cùng ASEAN nâng cao nhận thức của người dân ở cấp quốc gia và khu vực về tầm quan trọng và các hoạt động thiết thực của AIPA cũng như khả năng đóng góp của tổ chức liên nghị viện khu vực đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và hiện thực hóa lợi ích của người dân ASEAN.
Thứ hai, AIPA cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tăng cường sự bổ trợ của ngoại giao nghị viện trong tổng thể ngoại giao nhà nước giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các đối tác của ASEAN, nâng cao hiệu quả của hợp tác trong lĩnh vực lập pháp trong việc tạo khuôn khổ thuận lợi và thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội ASEAN, ủng hộ và hỗ trợ hiệu quả hơn chính phủ các nước với những giải pháp có tính khả thi cao nhằm thực hiện thành công những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra.
Thứ ba, AIPA đóng góp vào củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực thông qua việc đề cao các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN và tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường sự gắn kết giữa Nghị viện các nước thành viên, phát huy vai trò của AIPA trong khu vực cũng như mở rộng quan hệ và tăng cường kết nối với các cơ chế hợp tác nghị viện khác của khu vực và thế giới.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả và thực chất các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện AIPA và Lãnh đạo ASEAN hàng năm theo hướng tăng cường tương tác, đổi mới hình thức trao đổi, từ đó thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa kênh lập pháp và chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN.
Thứ năm, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPA, trong đó có nâng cao năng lực và cơ chế phối hợp giữa Ban Thư ký AIPA tại Jakarta và các Ban Thư ký AIPA tại các quốc gia cũng như giữa Ban Thư ký AIPA và Ban Thư ký ASEAN.
AIPA-38 diễn ra từ ngày 16-19/9 với sự tham dự của 10 nước thành viên và 11 nước quan sát viên. Dự kiến trong những ngày làm việc tiếp theo, các nước thành viên AIPA sẽ bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong đó có vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar, hợp tác giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, thúc đẩy chăm sóc sức khỏe cho các nữ lao động…/.