Cần quy định rõ về quản lý nhà nước đối với lực lượng Kiểm lâm

07:31, 25/10/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).  

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở tổ và tại hội trường đối với Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 12 chương, 114 điều, tăng thêm 17 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Dự thảo Luật quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tiễn như: Phân loại rừng; chủ rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý nhà nước về lâm nghiệp; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng…

Về việc hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng quy định tại Điều 89, Điều 90 của dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, quy định như dự thảo Luật là khá đầy đủ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là vốn để trồng rừng với người dân khá khó khăn. Qua thực tế về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho thấy, phần lớn các hộ được giao đất lâm nghiệp hay được nhà nước cho thuê đất để trồng rừng đều không có vốn để trồng nên đất rừng đã được giao khá lâu nhưng vẫn còn để trống. Họ đều có nguyện vọng nhà nước có nhiều dự án trồng rừng để người dân có cơ hội tham gia. Đại biểu nhận thấy, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần có cơ chế để hộ gia đình, cá nhân được liên kết với cá nhân và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam định cư ở nước ngoài để tranh thủ nguồn lực tài chính cho việc trồng rừng. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung  quyền và nghĩa vụ của gia đình và cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng quyền hợp tác với cá nhân, tổ chức nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong hoạt động trồng rừng.

Về vấn đề quản lý nhà nước đối với lực lượng kiểm lâm, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết, dự thảo Luật quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Kiểm lâm là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý việc bảo vệ rừng. Tuy nhiên theo Điều 109 và Điểm b Khoản 1 điều 110 của Dự thảo thì Kiểm lâm lại có nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Như vậy lực lượng Kiểm lâm vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước để bảo vệ rừng trong đó có thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ rừng, vừa trực tiếp bảo vệ rừng. Đây cũng là cơ chế hiện nay đang thực hiện trên thực tế. Không ít ý kiến cử tri cho rằng cơ chế này thể hiện nhiều bất cập, lực lượng kiểm lâm cùng lúc làm hai chức năng, thực tế có những trường hợp lực lượng kiểm lâm thoái hóa biến chất lại chính là lực lượng tiếp tay cho lâm tăc, trực tiếp phá hủy rừng nhưng lại không có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu. Do đó, đề nghị Dự thảo cần xây dựng được cơ chế quản lý, kiểm soát khoa học, tránh lạm dụng quyền lực, không giao hai chức năng quản lý trực tiếp và thanh tra, kiểm tra cho một cơ quan.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng quy định tại dự thảo Luật đã có tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, cụ thể từ điều 109 đến 112 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và chế độ chính sách của Kiểm lâm khá đầy đủ. Tuy nhiên chưa có quy định rõ về quản lý Nhà nước đối với lực lượng Kiểm lâm.

Theo các quy định trong hệ thống pháp luật như Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 1972, Luật bảo vệ phát triển rừng 1991, Luật bảo vệ phát triển rừng (sửa đổi) năm 2004… thì lực lượng Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực hiện bảo vệ rừng, bảo đảm cho việc thi hành luật để bảo vệ rừng. Lực lượng Kiểm lâm cũng có quyền kiểm tra thi hành pháp luật bảo vệ rừng, xử lý vi phạm hành chính, khởi tố điều tra vụ án hình sự, tạm giữ phương tiện, trang bị vũ khí công cụ hỗ trợ,… Do đó, đại biểu đề nghị tách riêng chức năng này, không nằm trong quản lý Nhà nước; đề nghị Luật sửa đổi lần này đưa ra quy định có hiện thực hơn với lực lượng Kiểm lâm; khẳng định vai trò, trách nhiệm về bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm và cần dành một chương riêng hoặc một mục trong chương chứ không lẫn vào quản lý Nhà nước về lực lượng Kiểm lâm.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung, nhất là sự thống nhất của Luật với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, dự thảo Luật Quy hoạch đang được xây dựng,…

Đồng thời phải bảo đảm tính cụ thể hơn nữa của Luật; tiếp tục làm rõ để đi tới thống nhất về phạm vi điều chỉnh, tên gọi của Luật; các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về phân loại rừng; chủ rừng; Quỹ bảo vệ và phát triển rừng./.