Chuyển biến từ công tác dân vận của chính quyền

17:19, 14/10/2017

Công tác dân vận của Đảng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2017), phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh.

PV: Ngày 15/10/1949, Hồ Chủ tịch đã viết một bài báo ngắn có tên “Dân vận”. Trong đó, Người đúc kết: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Lời dạy của Bác đã được thực hiện ở tỉnh ta như thế nào thưa đồng chí?

 

Đ/c Phạm Hoàng Sơn: Trong những năm qua, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, công tác vận động quần chúng trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên rõ rệt. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ; nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết về công tác vận động quần chúng được các cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả. Hệ thống dân vận các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai và thực hiện tốt công tác dân vận. Đặc biệt việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”, nhất là trên các lĩnh vực như: phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn trật tự, an ninh…đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp; tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh ta trong những năm qua.

PV: Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp, đồng chí có thể đánh giá sơ bộ về công tác này?

Đ/c Phạm Hoàng Sơn: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện khá hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước. Trong lĩnh vực kinh tế, các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định cụ thể nhằm tăng cường công tác dân vận gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với chăm lo đời sống của nhân dân... Nhiều cơ chế, chính sách cụ thể cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, địa bàn khó khăn được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong năm 2016, với việc huy động nguồn vốn hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa, tỉnh đã đầu tư xây dựng lưới điện cho 76 xóm, bản chưa được đầu tư hạ tầng điện lưới quốc gia với tổng kinh phí 207,960 tỷ đồng; huy động được gần 100 tỷ đồng từ nhiều nguồn đầu tư để xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ các đối tượng chính sách. Triển khai thực hiện Đề án số 2037, tỉnh đã thi công hoàn thành 14/15 tuyến đường giao thông dài 42,72km, 1 nhà lớp học, 03 nhà văn hóa và hỗ trợ giống cây trồng, phân bón trị giá trên 4 tỷ đồng cho 1.077 hộ đồng bào Mông thuộc vùng sâu, vùng khó khăn của các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ...

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tích cực chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, không để xảy ra các vụ việc phức tạp kéo dài. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên một số lĩnh vực ở cơ sở như: quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới… tăng cường đồng thuận xã hội; góp phần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, củng cố niềm tin và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

PV: Việc tổ chức đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân có những chuyển biến tích cực, đồng chí cho độc giả biết một số kết nổi bật và những giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới?

 Đ/c Phạm Hoàng Sơn: Thực hiện Quyết định số 2853-QĐ/TU ngày 30/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp và có những chuyển biến tích cực. Năm 2016-2017, Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức được 2 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ và nhân dân huyện Đại Từ và thị xã Phổ Yên. Hàng năm, Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đều tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, gặp mặt chuyên đề với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị trực tiếp của cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, đã có 9/9 huyện, thành, thị và 60 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp, định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, định kỳ hằng năm, nhiều vấn đề nhân dân bức xúc, băn khoăn, thắc mắc, phản ánh đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lắng nghe, tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo xử lý, giải quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại cơ sở, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Nhiều đảng bộ, công ty đã tổ chức được các hội nghị đối thoại với người lao động về quy chế tiền lương, thưởng, việc thực hiện chính sách với người lao động, về ăn ca và chất lượng bữa ăn ca... Qua đối thoại đã kịp thời điều chỉnh các chế độ, tạo niềm tin cho người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở. Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các cấp ủy, chính quyền cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 2853 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Hai là: Cấp ủy Đảng các cấp chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể quần chúng nắm chắc tình hình nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để kịp thời tham mưu tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Ba là: Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân phải được tiến hành định kỳ, thường xuyên và chủ động; có thể tổ chức đối thoại theo các chuyên đề, lĩnh vực cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi. Trong quá trình đối thoại, tránh việc độc thoại, dành quá ít thời gian cho người dân phát biểu, trao đổi. Sau đối thoại, cấp ủy, chính quyền phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm; chỉ đạo, đôn đốc giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết theo yêu cầu của cấp ủy cấp trên.

Thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy có hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa nhân dân với Đảng; thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.