Đổi mới tổ chức, bộ máy

17:31, 14/10/2017

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (HNTW6) vừa kết thúc với nhiều quyết sách quan trọng.Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị lần này là Đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được chuẩn bị công phu, thu hút sự quan tâm trong Đảng, trong dân. Đề án được coi là định hướng lớn giúp các bộ ngành, địa phương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị là vấn đề mang tính nguyên tắc và cương lĩnh. Qua giám sát tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy, trong giai đoạn 2011- 2016 việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song còn nhiều bất cập, vướng mắc. Có những hạn chế đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ như chưa khắc phục triệt để như tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối bên trong; việc phân cấp, phân quyền tuy chủ trương đã rõ nhưng thực hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa đi vào cuộc sống...

Tình trạng trong một cơ quan tồn tại 2 tổ chức đảng, trực thuộc 2 cấp ủy khác nhau, có 2 đồng chí bí thư cấp ủy cùng lãnh đạo cơ quan đang là vấn đề bất cập ở một số cơ quan Trung ương và địa phương. Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành Trung ương và UBND cấp tỉnh cùng lãnh đạo một cơ quan nên khó phân định và thực hiện một cách rành mạch chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm. Chúng ta chưa kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức hoạt động kém hiệu quả; cũng chưa có những bộ tiêu chí thực sự để đánh giá, sàng lọc cán bộ; cộng thêm quyết tâm chưa cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu khiến cho mục tiêu tinh giản biên chế chưa đạt được.

Mặt khác, với cách làm vừa qua, chúng ta chỉ mới giảm về số lượng chứ chưa thực sự “chưng cất” về mặt chất lượng. Trong khi đây mới là yếu tố quan trọng để chọn được những người thực sự có năng lực, tâm huyết làm việc, vì nước vì dân. Vì vậy mà bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; số cán bộ công chức tham gia vào công tác quản lý Nhà nước còn quá nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng đưa người nhà, người thân, họ hàng, bạn bè vào bộ máy là hiện tượng khiến lòng dân chưa yên.

Cải cách bộ máy hành chính trước hết là phải đổi mới tư duy về tổ chức hệ thống, phải có tư duy về hệ thống cấu trúc để làm sao tổ chức được một bộ máy từ trên xuống dưới thông suốt, khách quan, mạch lạc trong phân định chức năng, trong đó yếu tố quan trọng nhất là phân công quyền lực, ủy thác quyền lực, phân công rạch ròi nhiệm vụ cho từng cấp, xác định trách nhiệm của người đứng đầu, của từng tập thể, cá nhân. Việc tái cấu trúc bộ máy phải gắn liền với chất lượng cán bộ. Nếu đưa ra được mô hình tổ chức bộ máy hợp lý nhưng người vận hành nó không hiệu quả, thì bộ máy đó cũng chỉ nằm trên giấy.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là tất yếu khách quan và là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng ta. Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo đang đặt ra yêu cầu bức thiết không thể trì hoãn.Tổ chức, bộ máy không thể duy trì nhiều cấp trung gian, chồng chéo, trùng lặp hay bỏ trống chức năng, nhiệm vụ. Một tổ chức, cơ quan phải làm nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính là yêu cầu khoa học, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn.

Với mục đích tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng; đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Việc thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW sẽ góp phần đảm bảo thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn.

Sau Hội nghị Trung ương 6 lần này, toàn hệ thống chính trị chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao; đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, làm từng bước, chắc chắn.