Gắn bó với ATK Định Hóa từ lâu, nên mỗi lần trở lại nơi đây đều cho tôi cảm giác gần gũi và thân thuộc. Ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này, dường như mỗi địa danh đều gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc. Trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, không thể không nhắc tới Khuôn Tát - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc trong giai đoạn 1947-1954.
Cụm di tích này gồm: Cây đa, suối Khuôn Tát, nhà sàn và hầm Bác ở tại đồi Na Đình. Theo tiếng địa phương, Khuôn Tát có nghĩa là thung lũng có thác nước chảy. Dòng suối Khuôn Tát bắt nguồn từ dãy núi Hồng, chảy qua xã Phú Đình đã tạo nên một bức tranh phong cảnh hài hòa, với điểm nhấn là thác nước 7 tầng. Thời kỳ tiền kháng chiến, nơi đây là rừng rậm, núi non trùng điệp. Từ Khuôn Tát, di chuyển bằng ngựa chỉ 5-6km vượt qua núi Hồng là đến Tân Trào (Tuyên Quang); xuôi theo dòng suối xuống phía dưới là đồi Tỉn Keo, rồi xa hơn nữa là đồi Khau Tý (Điềm Mặc), cùng những nơi làm việc của cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng… Địa thế rất thuận lợi đó của Khuôn Tát đã được Bác lựa chọn là một trong những nơi thường xuyên lui tới ở và làm việc.
Các tài liệu lịch sử ghi lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần ở và làm việc tại Khuôn Tát. Ngày 20-11-1947 là lần đầu Bác ở làm việc tại đồi Na Đình. Từ đó đến ngày 25-5-1948, Bác cùng cơ quan Trung ương đã di chuyển nhiều nơi: Từ Định Hóa lên Chợ Đồn (Bắc Kạn), sang Sơn Dương sau lại về Khuôn Tát. Nhà sàn của Bác và nhà lán anh em giúp việc trên đồi Na Đình được lợp cọ, cột gỗ, vách bằng nứa, có sàn, cửa sổ thông thoáng. Bác thường làm việc dưới sàn, xung quanh có hàng rào nứa đan chéo để chống thú dữ, có địa đạo thông từ nền nhà ra khe suối nhỏ để thoát khi có động. Dưới nhà sàn Bác độ hơn 10m là nhà lợp cọ của bộ phận giúp việc, có sân, bàn ăn làm bằng cây vầu. Nhà lán được người dân trông coi, sau mỗi lần di chuyển về, Bác cùng anh em vẫn còn chỗ ăn nghỉ, làm việc.
Lán Khuôn Tát là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minhvới các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội; nơi Bác viết nhiều tài liệu quan trọng về củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang. Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp đều từng lên Khuôn Tát để làm việc với Bác. Ngoài ra, Người còn lập tổ dân vận, cử anh em hướng dẫn bà con ở Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo…xây dựng cuộc sống mới, vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, học chữ, học cách làm ăn mới.
Cách nhà sàn và hầm của Bác không xa là cây đa Khuôn Tát, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng anh em làm sân bóng trên bãi đất rộng, dùng lưới đan bằng dây rừng chơi bóng chuyền vào giờ nghỉ buổi chiều, có rào bảo vệ bằng nứa để ngăn không cho bóng lăn xuống khe suối. Ngoài ra, mọi người còn tập võ, môn Thái cực quyền giúp rèn sức khỏe dẻo dai, để còn đi chiến dịch, họp hành, di chuyển, chỉ đạo hoạt động kháng chiến, kiến quốc. Đoạn suối trong mát sau cây đa là nơi Bác cùng anh em tắm giặt, câu cá.
Ngày 15-1-1954, trước khi lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội, Tổng chỉ huy kiêm Chính ủy mặt trận Võ Nguyên Giáp đã đến lán Khuôn Tát chào Bác. Người đã thể hiện sự tin tưởng vào tài năng của Đại tướng và căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Thấm thía lời dặn của Bác và xét diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", và đó được coi là quyết định quan trọng làm nên thắng lợi của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Hơn 60 năm đã trôi qua, cảnh vật ở Khuôn Tát có lẽ không thay đổi nhiều. Cây đa cổ thụ vẫn còn đó, dòng suối Khuôn Tát hiền hòa vẫn đêm ngày róc rách đưa dòng nước mát lành nuôi dưỡng những cánh đồng trù phú. Căn lán và hầm nơi Bác từng ở và làm việc được giữ gìn nguyên vẹn như tình cảm của người dân ATK Định Hóa luôn hướng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ông Ma Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đình khẳng định: Người dân Phú Đình tự hào vì đã từng chở che, nuôi giấu cách mạng suốt những năm kháng chiến. Những địa danh như: Đèo De, Khuôn Tát, Tỉn Keo, đồi Phong Tướng…là dấu tích đặc biệt được gìn giữ để người dân khắp mọi nơi tìm về. Truyền thống cách mạng vừa là điểm tự, cũng là động lực để người dân Phú Đình nói riêng và Định Hóa nói chung giữ gìn bản sắc, nỗ lực vươn lên trong những chặng đường mới.