Thảo luận, đề xuất nhiều nội dung thiết thực

17:02, 27/10/2017

Trong nửa cuối buổi sáng ngày 27-10, đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Được biết, nhiều ý kiến thảo luận xác đáng đã được tiếp thu, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trước khi HĐND tỉnh quyết nghị thông qua. Trong đó, có nhiều ý kiến sẽ được UBND tỉnh và các ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

* Đối với Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết thông qua Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

ĐB Ngô Quảng Bá và ĐB Nguyễn Khắc Lâm (Tổ T.P Sông Công), ĐB mời Nguyễn Văn Tiệu, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai và một số ĐB khác cho rằng, việc đối ứng ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện theo tỉ lệ 50%-50% là không hợp lý, có thể điều chỉnh là 60%-40% (trong đó, tỉnh 60% và huyện 40%). Đồng thời, nên tính toán lại theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng ở những huyện còn nhiều khó khăn như: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương…  ĐB Nguyễn Minh Tuấn (Tổ Phú Bình) đề nghị tỉnh nên có quy định cơ chế đặc thù cho những huyện này để đảm bảo nguồn ngân sách của các huyện có thể gánh vác được. Còn ĐB Phạm Văn Sỹ (Tổ Đồng Hỷ) đề nghị tỉnh cần ban hành hướng dẫn cụ thể về mức chi, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đối với đối tượng hộ mới thoát nghèo.

* Đối với Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên gồm 9 dự án thành phần.

ĐB Nguyễn Như Tuấn và ĐB Đinh Hồng Thanh (Tổ Phú Bình) đề nghị, UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật trước khi tiến hành triển khai thực hiện Dự án. ĐB Nguyễn Văn Khoa (Tổ T.X Phổ Yên) cho rằng, việc nâng mức vốn của các dự án từ hơn 9.800 tỷ đồng lên hơn 13.370 tỷ đồng chỉ cần giao cho UBND tỉnh thực hiện theo thẩm quyền, không nhất thiết HĐND tỉnh phải thông qua chi tiết. ĐB Lê Văn Tuấn (Tổ T.X Phổ Yên) nêu quan điểm, vốn từ ngân sách hay từ đất đối ứng bản chất đều là từ ngân sách Nhà nước, nên cần tính đến tính khả thi cao của các dự án. Còn ĐB Lê Thanh Tuyết (Tổ T.X Phổ Yên) thì băn khoăn và đề nghị làm rõ, lúc trước diện tích đất dành cho hoàn vốn BT là 700ha với số tiền giải phóng mặt bằng là 2.800 tỷ đồng, nay đã điều chỉnh giảm số tiền xuống còn trên 2.468 tỷ đồng nhưng diện tích đất hoàn vốn BT lại tăng lên 900ha.

* Đối với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

ĐB Phạm Văn Sỹ và ĐB Nguyễn Văn Ký (Tổ Đồng Hỷ) đề nghị, UBND tỉnh làm rõ lý do tại sao phải điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trên, đồng thời giải trình làm rõ dự kiến nguồn vốn để triển khai thực hiện Dự án này. Còn ĐB Phạm Thái Hanh (Tổ Định Hóa) cho hay, sau khi xem xét, lần này Dự án đã được điều chỉnh giảm từ 9.980 tỷ đồng xuống còn trên 6.838 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 80%. Mặc dù ngân sách địa phương phải đối ứng lên tới 1.368,3 tỷ đồng, song chúng ta có tới 5 nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia có thể tranh thủ thực hiện được là: Chương trình về văn hóa, du lịch, nông nghiệp nông thôn, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội vùng ATK…

* Đối với Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2022.

Theo ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên), tính đến tháng 9-2017, tỉnh Thái Nguyên đã có 2.683 đội dân phòng. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, đề nghị sau khi thành lập các đội dân phòng tại các xóm, tổ dân phố, cần có các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng. Ngoài ra, hiện nay, ngân sách cấp xã rất hạn hẹp, nhưng theo Đề án, ngân sách cấp xã sẽ phải chi khoảng 6 tỷ đồng/năm. Vì vậy, đề nghị tỉnh xem xét, có phương án cân đối ngân sách hợp lý cho các địa phương.

Còn theo ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công), UBND tỉnh nên dành kinh phí để trang bị công cụ phòng cháy, chữa cháy, trang bị bảo hộ cho đội viên đội dân phòng. Theo ĐB Nguyễn Văn Đồng (Tổ T.P Thái Nguyên), nếu điều chỉnh tỷ lệ 30% hỗ trợ của đội trưởng đội dân phòng thì ngân sách tỉnh sẽ tăng lên 30 tỷ đồng/năm. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cân nhắc khả năng cân đối ngân sách để thực hiện.

Một số ĐB cho rằng, tỉnh nên triển khai thí điểm Đề án này tại một vài địa phương trước khi cho nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo tính khả thi. ĐB Nguyễn Thị Mai (Tổ Phú Lương) đề nghị, việc bố trí đội trưởng, đội phó đội dân phòng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm là hợp lý nhất. ĐB Nguyễn Thị Loan (Tổ Đại Từ) kiến nghị, việc chi nguồn kinh phí phục vụ Đề án này cần lấy từ nguồn ngân sách tỉnh, vì ngân sách huyện, xã không đủ khả năng chi trả.

* Đối với Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết thông qua quy định mức chi bảo đảm cho công tác cải cách hành chính nhà nước; mức công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên và mức chi, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Các ĐB cơ bản nhất trí như Dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình.