Sáng sớm nay (15/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc thành công chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Manila, từ ngày 12 - 14/11, theo lời mời của Tổng thống Philippines - Rodrigo Roa Duterte.
Là thành viên có trách nhiệm, là trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và đều có các bài phát biểu đi vào trọng tâm, đóng góp cụ thể cho thể thúc đẩy đoàn kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển.
Về thời điểm, Hội nghị ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Thế nhưng, đó chỉ là một phần lý do của việc tất cả Thủ tướng, Tổng thống các nước ASEAN và các đối tác tham gia. Trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nga, Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu... Lý do lớn hơn khiến các nhà lãnh đạo quan tâm là bởi vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được thể hiện rõ nét, và đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển năng động, trở thành khu vực địa chính trị quan trọng.
Cùng với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 đã có hàng loạt các hội nghị cấp cao liên quan như ASEAN+3, ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN với các đối tác Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên Hợp Quốc, … Hội nghị Cấp cao Me Kong - Nhật Bản; Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Phiên họp giữa Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN+3 với Hội đồng Kinh doanh Đông Á.
Trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia lễ ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. Đây là thành quả quan trọng sau gần 10 năm các thành viên ASEAN trao đổi và thảo luận. Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào nhiều văn kiện quan trọng được thông qua tại Hội nghị lần này.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Quốc Dũng, người tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi lần này, điểm đáng lưu ý là số lượng các văn kiện năm nay đưa ra. Số lượng văn kiện nói lên kết quả của hội nghị lần này. Tất cả có 56 văn kiện, trong đó các nhà lãnh đạo ký kết 1 văn kiện, ghi nhận 55 văn kiện khác, trong đó có 23 văn kiện của ASEAN và 32 văn kiện của ASEAN với các đối tác. Các văn kiện này có nội dung thiết thực, trực tiếp hoặc gián tiếp hướng tới người dân. Thể hiện từ những vấn đề như chống khủng bố, chống tội phạm liên quốc gia, giảm nghèo và vấn đề y tế cộng đồng… Đặc biệt ký kết các văn kiện đồng thuận ASEAN trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền lợi người lao động di cư là văn kiện rất tốt mà đã thương lượng cả 10 năm nay.
Quan điểm nhấn mạnh đến lợi ích của người dân cũng là một trong 3 điểm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31. Đó là ASEAN cần tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc của mình thông qua thúc đẩy những vấn đề chung, đặc biệt là quyết tâm chung xây dựng một ASEAN tự cường, đề cao lợi ích chung cho người dân Cộng đồng và đóng góp nỗ lực để tạo dựng thành quả mang tên chung ASEAN.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác cũng đề cao sự tôn trọng pháp luật trong xây dựng cộng đồng và hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề bất đồng; giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống và truyền thống. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế của mình trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng đề nghị các văn kiện của Hội nghị Cấp cao lần này phản ánh đầy đủ các nguyên tắc, lập trường như thể hiện tại Thông cáo chung Hội nghị AMM 50 (bao gồm: bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố DOC). Thủ tướng Chính phủ cũng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung COC và đề nghị sớm đàm phán thực chất COC có tính khả thi và ràng buộc pháp lý.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, một thành công quan trọng tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc, đó là các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã chính thức tuyên bố khởi động tham vấn và đàm phán về nội dung Bộ quy tắc COC, coi đây là cơ sở quan trọng góp phần duy trì hòa bình ở Biển Đông.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Quốc Dũng, đánh giá: “Các nhà lãnh đạo đã chính thức khởi động đàm phán nội dung COC thì ASEAN và Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho đàm phán này. Sự kiện bắt đầu cho hoạt động này diễn ra tại Việt Nam sắp tới. Việc đạt được thống nhất đi vào đàm phán chính thức mang một ý nghĩa rất quan trọng. Việc đàm phán COC có thể sẽ kéo dài. Tuy nhiên việc các nước thống nhất ngồi với nhau để đàm phán văn kiện này đã là một kết quả rất tốt, góp phần gây dựng lòng tin cũng như đóng góp vào duy trì ổn định, hòa bình ở biển Đông”.
Bình luận về kết quả này, Thiếu tướng Lê Văn Cương chuyên gia phân tích quốc tế, cho rằng, tại hội nghị lần này, việc trao đổi về tình hình Biển Đông mạch lạc, rõ ràng và đạt được sự nhất trí cao hơn so với Hội nghị Cấp cao ASEAN hồi tháng 4. Cụ thể, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN- 31, 10 nước ASEAN nhất trí vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế trên Công ước Luật Biển 1982.
“Từ số 0 đến khung của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), tôi cho là một thành công tích cực, thể hiện thái độ tích cực và trách nhiệm của Trung Quốc”- Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Một điểm đáng chú ý là không khí ủng hộ tự do hóa thương mại thay vì bảo hộ mậu dịch từ các hội nghị APEC tại Việt Nam đã lan sang các hội nghị tại Manila lần này. Trong các hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác nhắc nhiều đến kết quả Hội nghị APEC được tổ chức ở Việt Nam và phấn khởi trước xu thế mong muốn duy trì, thúc đẩy thương mại tự do. Đây chính là minh chứng một lần nữa nhấn mạnh đến sự thành công của Việt Nam trong tổ chức các sự kiện APEC cũng như đóng góp vào vấn đề chung của khu vực và quốc tế.
Tại Philippines, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulit; hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nga Medvedev, Thủ tướng Ấn Độ Modi; tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Tại các cuộc gặp, hội đàm, tiếp xúc, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề hợp tác cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán, gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống tại đây.
Trong chuyến tham dự Hội nghị lần này, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã tham gia các hoạt động của Diễn đàn kết nối doanh nghiệp, tìm các cơ hội mở rộng hợp tác để phát triển thương mại và liên kết trong và ngoài khu vực.
Với gần 30 hoạt động song phương và đa phương tại Manila, chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp. Việt Nam tiếp tục thể hiện là thành viên tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN đồng thuận, tăng cường liên kết và củng cố tinh thần đoàn kết, nhằm phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội./.