Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm trong buổi chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chiều 18-11 là tăng trưởng đi kèm với chất lượng, và mức độ tự chủ của nền kinh tế. Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến quyết tâm xử lý tình trạng tham nhũng.
Các đại biểu Tô Văn Tám, Lê Thanh Vân, Nguyễn Thành Lâm quan tâm đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, các giải pháp để phát huy hết tiềm năng của đất nước trong phát triển kinh tế, giảm khoảng cách giàu nghèo… Đại biểu Tô Văn Tám chia sẻ, đến nay Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về kinh tế - xã hội, cơ bản xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên những năm gần đây khoảng cách giàu nghèo lại tăng lên đáng kể, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Đại biểu mong muốn Thủ tướng cho biết giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Đề cập đến những băn khoăn của cử tri về chất lượng tăng trưởng, mặc dù báo cáo của Chính phủ cho biết kết quả tăng trưởng của năm 2017 khá ấn tượng và khả năng đạt chỉ tiêu đề ra, đại biểu Nguyễn Thành Lâm (Lạng Sơn) đề nghị Thủ tướng đánh giá về chất lượng tăng trưởng, cũng như đưa ra những giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng trong năm 2018.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cũng đưa ra những câu hỏi về việc Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành đất nước và kết quả phát triển kinh tế xã hội không, cũng như chia sẻ băn khoăn làm sao để phát huy được hết tiềm năng trong tăng trưởng kinh tế.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết một số giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội như tạo dựng môi trường đầu tư lành mạnh, công khai minh bạch, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, bảo vệ nhà đầu tư chính đáng, song song với các giải pháp về hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục giảm chi phí, như giảm lãi vay, giảm các khoản chi phí không chính thức.
Thủ tướng nhấn mạnh trước nghị trường: “Đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với hối lộ các cấp, các ngành, còn gọi là chi phí không chính thức”. Đồng thời, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, nâng cao năng lực quản trị…
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây, nhấn mạnh năm nay xuất khẩu có thể đạt mức 210 tỷ USD, tăng gấp ba lần kế hoạch được giao, điều này thể hiện sự cải thiện trong tăng trưởng. Chỉ số cạnh tranh của Việt Nam tăng lên 5 bậc. Các chỉ số xã hội, phát triển con người đều tăng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu bền vững ... Đồng thời nhấn mạnh, số lượng tăng trưởng quan trọng vì liên quan đến nợ công, đến giải quyết việc làm, nhưng chất lượng tăng trưởng cũng vô cùng quan trọng.
“Chúng ta phải có một cơ cấu kinh tế hợp lý. Nền kinh tế phải an toàn, bền vững, không thể sớm nắng chiều mưa. Một nền kinh tế phải có năng lực cạnh tranh cao, trước hết là công nghệ. Phải giải quyết được các cân đối lớn như về tiêu dùng, về thu chi ngân sách, xuất khẩu, nhập khẩu. Một nền kinh tế tự chủ cũng góp phần lớn trong nâng cao chất lượng tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự độc lập tự chủ của kinh tế Việt Nam.
“Vì thế, chúng ta không quá phụ thuộc vào một thị trường. Đa phương hóa, đa dạng hóa trong kinh tế là cần thiết. Đến nay, đã có 25 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Chính vì thế, đa dạng hóa rất quan trọng, không chỉ có một mặt hàng. Hiện nay chúng ta có 70 thị trường có quan hệ thương mại hơn 100 triệu USD với Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ.
Một điểm nữa đáng lưu ý mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là người Việt Nam đang ngày càng yêu thích hàng Việt Nam chất lượng cao, cho nên niềm tin vào thị trường Việt Nam cũng là biểu hiện của mức độ tự chủ vào nền kinh tế.
Về câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Thủ tướng cho biết, kết quả đạt được 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra là rất đáng phấn khởi, nhưng Chính phủ nhận thức được rằng kết quả đó mới chỉ là bước đầu: “Thẳng thắn mà nói là chưa hài lòng. Nếu làm tốt hơn nữa, làm hết sức mình thì kết quả sẽ còn tốt hơn nữa”. Thủ tướng chia sẻ những điều làm ông lo lắng là tụt hậu, tham nhũng, cũng như tình trạng một bộ phận cán bộ còn xa rời dân, sách nhiễu…
Liên quan đến tham nhũng, một số đại biểu cho rằng nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, nhưng xử lý còn chậm, và liệu có “vùng cấm” trong án tham nhũng hay không?
Trả lời thắc mắc của đại biểu, Thủ tướng khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta không cho phép tham nhũng, cờ gian bạc lận… những hiện tượng mà người dân lên án. Không có vùng cấm. Hệ thống hành pháp và lập pháp phối hợp chặt chẽ, xử lý các vụ việc cho người dân yên tâm”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cần công khai kết quả xử lý các vụ tham nhũng, nhất là các vụ án đã được xử.
* Tổng thu ngân sách lũy kế 10 tháng tăng gần 14% so với cùng kỳ. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3%; xuất siêu 2,56 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tiếp tục khởi sắc; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%; có hơn 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 43,8% về vốn đăng ký và gần 23 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12-2016, bình quân 10 tháng tăng 3,71%.
Tổng cầu phục hồi, thị trường phát triển tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,4%. Thu hút khách quốc tế vượt 10 triệu lượt, tăng trên 28%.
(Trích báo cáo, giải trình của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm)