Chiều 10-11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ủy ban Pháp luật nhận định đây là một dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp.
Tạo cơ sở pháp lý xây dựng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) nhằm luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế và xây dựng một số đơn vị HCKTĐB của Đảng.
Những năm gần đây, việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đang dần tới hạn và sức hút của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao sau 25 năm phát triển giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá.
Mặc dù vậy, kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý một số đặc khu, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là tiền đề quan trọng để thành lập các đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây là những đơn vị có vị trí chiến lược và có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế.
Luật được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển ba đơn vị HCKTĐB trên và qua đó có thể xem xét nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả.
Dự thảo Luật gồm 6 Chương với 104 Điều và 5 Phụ lục gồm các quy định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Quy định riêng về ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Thẩm tra Tờ trình dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho các đơn vị HCKTĐB; đồng thời, đánh giá khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư của các đơn vị HCKTĐB so với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Trong điều kiện ngân sách hiện nay, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của TƯ đối với các đơn vị HCKTĐB để bảo đảm sự thành công của mô hình này.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy đây là một dự án Luật lớn, nội dung phức tạp. Để bảo đảm tính đồng bộ trong việc xem xét, thông qua dự án Luật và thành lập các đơn vị HCKTĐB thì ngoài việc hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Luật, xây dựng và trình Quốc hội các đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt như đã nêu, Chính phủ và các cơ quan có liên quan phải xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị HCKTĐB theo đúng yêu cầu.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị các phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động cả ở cấp huyện và cấp xã tương xứng với phương án tổ chức chính quyền, bảo đảm ổn định đời sống của người dân.
Với khối lượng công việc lớn và tính chất phức tạp như trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành các công việc nhằm bảo đảm tiến độ xem xét, thông qua dự án Luật và các đề án liên quan như dự kiến.
Căn cứ vào kết quả chuẩn bị và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nếu hồ sơ chuẩn bị đầy đủ, đúng tiến độ, chất lượng tốt, có sự đồng thuận cao thì có thể trình Quốc hội quyết định việc thông qua các đề án, nghị quyết và dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị) cho biết, việc xây dựng các khu hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm đón nhận, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.
-Xin ông cho biết, mô hình đặc khu kinh tế sẽ đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế Việt Nam? Những đơn vị hành chính đặc biệt này có vị trí chiến lược, có lợi thế so sánh đủ để phát triển được. Thể chế mới sẽ có những đóng góp lớn cho những ngành chúng ta đã lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế như dịch vụ, công nghệ cao, y tế, giáo dục, văn hóa, thương mại, vui chơi giải trí… - Đặc khu kinh tế được đánh giá là tích cực và hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mô hình quản lý riêng này cần phải tính toán kỹ hơn. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này? Đây là một đơn vị hành chính đặc biệt nên tổ chức cũng phải đặc biệt, thể chế kinh tế cũng phải đặc biệt. Chúng ta muốn gì và nhà đầu tư cần gì? Nếu không tiếp cận theo hướng đó thì rất khó có thể thu hút thành công. - Việt Nam sẽ có cơ chế kiểm soát, giám sát đặc biệt nào cho mô hình này, thưa ông? Hiện nay, chúng ta muốn dành quyền tự chủ cho đơn vị hành chính theo hai hướng: Thứ nhất, là không tổ chức HĐND và UBND, điều này không trái hiến pháp và cũng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là làm sao dành quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thẩm quyền trong điều hành của các Trưởng đơn vị hành chính đặc biệt này. Tuy nhiên, khi phân cấp, phân quyền cho Trưởng đặc khu thì phải có cơ chế giám sát đi kèm. Thứ hai, tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. - Vậy những cơ chế chúng ta đưa vào trong dự án luật lần này có đủ khả năng để cạnh tranh với mô hình của các nước trên thế giới hay chưa, thưa ông? Trên thế giới hiện có khoảng 4.500 các loại đặc khu của trên 140 nước. Nhưng vì không có điều kiện nên chúng ta chỉ nghiên cứu 13 mô hình tương đồng với Việt Nam để thấy được những thành công và thất bại, trong đó có thể chế. Thể chế mà chúng ta đang tạo dựng và thiết kế trình Quốc hội tại kỳ họp này là những thể chế ngang bằng hoặc hấp dẫn hơn so với một số nước. Xin cảm ơn ông! |