Nhiều người nói chị Nguyễn Thị Ngọc Hà có duyên với các cuộc thi. Bởi tham gia lần nào chị cũng được giải, hầu hết là giải cao. Tiếp xúc nhiều với chị tôi biết, những thành công đó không xuất phát từ yếu tố may mắn mà là cả một quá trình làm việc nghiêm túc, bằng sự đam mê và trách nhiệm.
Tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào 2017” tổ chức ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (T.P Hà Nội), có lẽ bài dự thi của chị Nguyễn Thị Ngọc Hà để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng tôi và các khán giả. Bài dự thi là một công trình nghiên cứu có cách trình bày khoa học và rất nhiều tư liệu quý. Tác phẩm dày 943 trang, bao gồm nội dung theo chủ đề và 7 phần phụ lục là ảnh, văn kiện, trích dẫn thơ, nhạc và biểu đồ minh họa.
Chị Hà nói: “Đứa con đẻ” của tôi nặng tròn 7kg, riêng tiền công trình bày, in và đóng bìa hết gần 5 triệu đồng. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để hoàn thành sản phẩm của mình, tôi đã nhiều lần bắt xe khách xuống Hà Nội để tham khảo tư liệu ở Thư viện Quốc gia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và nhất là Triển lãm “Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” tổ chức tháng 7-2017 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Có những tư liệu quý không mượn được, tôi phải chụp lại bằng điện thoại, sau đó in ra để chọn lọc. May mắn là tôi đã mượn được bộ sách gốc “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào giai đoạn 1930-2017” với rất nhiều thông tin quý.
Ở Thái Nguyên, chị Hà cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu tại Thư viện tỉnh, bài viết của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên hay kỷ yếu 70 năm thành lập Trường THPT Lương Ngọc Quyến. Với nguồn thông tin, tư liệu đồ sộ từ gần 100 cuốn sách, tạp chí và trang web, chị dành gần 2 tháng để chọn lọc, sắp xếp cho khoa học. Có một chút khó khăn là phần lớn tư liệu chỉ viết đến năm 2007. Do vậy, chị lại phải tham khảo thêm trên báo, tạp chí và mạng internet. Thuận lợi nữa là chị cũng nhận được hỗ trợ rất nhiều từ các anh chị ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, huyện Võ Nhai và đồng nghiệp. Kết quả không phụ công chị khi tác phẩm chứa đựng rất nhiều tâm huyết và trí tuệ của chị được Ban Tổ chức cấp Trung ương đánh giá cao và trao giải Nhì.
Thích tìm hiểu lịch sử từ nhỏ, sau khi học xong THCS, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà quyết định thi vào lớp chuyên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên và đỗ với số điểm cao. Trong trong 3 năm học tại Trường, chị đạt được rất nhiều thành tích trong học tập. Đáng ghi nhận nhất phải kể đến một giải Nhì và một giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia. Có cho mình tấm vé tuyển thẳng đại học, chị lựa chọn học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu lịch sử và được lan tỏa niềm đam mê đó cho các thế hệ học sinh.
Ra trường năm 2007, chị xung phong lên công tác tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt của huyện vùng cao Võ Nhai. Khi đó, trường mới thành lập 1 năm, cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học còn muôn vàn khó khăn nhưng chị Hà cùng tập thể thầy cô giáo nơi đây đã cố gắng khắc phục và đạt được nhiều thành tích cao trong giảng dạy. Trong 10 năm công tác, có tới 7 năm chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2017, chị là một trong 5 người của ngành Giáo dục tỉnh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh vì có những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2014-2017. Về chuyên môn, chị được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2016-2017; đạt giải Ba cấp tỉnh và Khuyến khích cấp Quốc gia trong cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp năm học 2016-2017; giải Khuyến khích Cuộc thi “Sáng tạo trẻ lần thứ XIV năm 2017” do Tỉnh đoàn tổ chức. Dưới sự dìu dắt của chị, năm học vừa qua, đã có 3 học trò đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; một em đoạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn.
Không chỉ giỏi trong giảng dạy, chị Hà còn rất có duyên với giải thưởng, nhất là các cuộc thi liên quan đến tìm hiểu lịch sử. Riêng trong năm 2017, bên cạnh thành công với bài dự thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”, chị Hà còn đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 1936-2016” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; giải Nhì Cuộc thi “Tìm hiểu 70 năm lịch sử, truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên” do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức. Trò chuyện với chị tôi được biết thêm, để có một bài dự thi ưng ý, chị đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Ví dụ như bài thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh, chị phải sưu tầm tài liệu cả tháng, rồi chép tay 165 trang viết và kèm thêm khoảng 100 trang phụ lục ảnh. Còn bài thi về lực lượng vũ trang của tỉnh, mọi kiến thức và tư liệu lịch sử gần như chị phải tìm hiểu từ đầu. Thời điểm sắp đến thời hạn nộp, hầu như ngày nào chị cũng thức đến sáng để làm. May mắn là tác phẩm vẫn kịp thời hạn với 432 trang.
Gác lại niềm vui của những giải thưởng, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà lại tiếp tục chuyên tâm cho công việc giảng dạy tại trường. “Tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử không đơn thuần là khẳng định bản thân, quan trọng hơn đó là cách tôi có cơ hội tích lũy, bồi đắp thêm kiến thức phục vụ cho công tác chuyên môn. Để từ đó tiếp tục truyền ngọn lửa của tình yêu quê hương đất nước, biết trân trọng, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông đến các thế hệ học sinh của mình” - chị Hà chia sẻ.