Sáng 20-1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF) tiếp tục diễn ra với Phiên toàn thể 3 với chủ đề "Hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương". Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017, nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn) và khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất khoảng 10% GDP. Nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường về thời tiết, thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0,5 đến 2 độ C.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp
Để nỗ lực hạn chế và khắc phục hậu quả, phòng ngừa các tác nhân có hại do biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các Điều ước quốc tế, Công ước, Nghị định thư và Thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Các quốc gia thành viên cần phải làm cho toàn xã hội và từng người dân hiểu và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn, cần có các giải pháp huy động nguồn tài chính, tăng cường đối tác công - tư và rất cần vai trò của các chế định tài chính quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, hài hòa với thiên nhiên. Mọi người dân đều tham gia và được thụ hưởng thành quả của phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các quốc gia chung tay, chia sẻ trong quá trình phát triển; hỗ trợ nhau về tài chính, tri thức, kinh nghiệm. Các Chính phủ cần thúc đẩy hợp tác khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hình thành các cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các bên.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung trọng tâm: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; các nguồn lực cho phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.
Đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có bài phát biểu khẳng định vai trò của APPF trong chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các quốc gia nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, cung cấp các kỹ năng cơ bản cho cử tri và người dân về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu; đưa ra biện pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế và giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát thực thi các cam kết của các nước Châu Á-Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu sau năm 2017…
Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Maritin Chungong nhấn mạnh, IPU sẵn sàng tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác nghị viện trong khuôn khổ lớn hơn tại IPU, nhằm tăng cường thể chế và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai. Trong khi đó, ông Geng Tan, đại biểu đoàn nghị viện Canada khẳng định, biến đổi khí hậu đang là một thách thức lớn mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ XXI. Để giảm thiểu những hệ lụy gây ra bởi khí hậu bất thường, cần có sự hợp lực giữa các quốc gia trên thế giới vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thực thi những thỏa thuận đã đạt được như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng cần được các nước quan tâm.
Các đại biểu cũng đề cập tới việc thiết lập một kênh hợp tác giữa các nghị sĩ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để trao đổi thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác về văn hóa - du lịch. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia mà còn góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các nước