Giá trị thời đại của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"

17:40, 24/02/2018

Cách đây tròn 170 năm, ngày 24-2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo lần đầu tiên được công bố trước toàn thế giới. Đây là văn kiện cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới tiến hành cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và tiến tới chủ nghĩa cộng sản.

170 năm trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi, song lịch sử tiếp tục chứng minh rằng, những tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục soi đường cho nhân loại tiến đến tương lai ngày càng tốt đẹp hơn...

Năm 1836, Tổ chức công nhân quốc tế mang tên “Liên đoàn những người chính nghĩa” ra đời tại London (Anh). Mùa hè năm 1847, Đại hội lần thứ nhất của liên đoàn đã đổi tên “Liên đoàn những người chính nghĩa” thành “Liên đoàn những người cộng sản”. Tháng 12-1847, liên đoàn họp Đại hội lần thứ hai, Karl Marx và Friedrich Engels được ủy thác soạn thảo Cương lĩnh dưới hình thức một bản tuyên ngôn. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được hoàn thành trong thời gian rất ngắn và công bố vào ngày 24-2-1848. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản lần đầu tiên được xuất bản tại London, ít lâu sau, được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau ở nhiều nước trên thế giới.

Theo tuyên ngôn, sự ra đời của Đảng Cộng sản là tất yếu để bảo đảm cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Tuyên ngôn khẳng định hai nguyên lý của chủ nghĩa Marx: Phương thức sản xuất và trao đổi kinh tế cùng với cơ cấu xã hội của phương thức đó quyết định sự hợp thành nền tảng của xã hội; lịch sử phát triển của xã hội có giai cấp là lịch sử của đấu tranh giai cấp. Không chỉ vậy, tuyên ngôn cũng công khai trước toàn bộ thế giới về chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã vạch trần bản chất phản động, bảo thủ, lỗi thời của các trào lưu tư tưởng phi khoa học, trá hình dưới chiêu bài khác nhau về CNXH để chống CNXH lúc bấy giờ…

Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời có ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Marx, bao gồm ba bộ phận hợp thành là triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đánh dấu một bước chuyển lịch sử của phong trào công nhân quốc tế; vạch ra con đường cách mạng vô sản, đưa hàng tỷ quần chúng lao động, hàng trăm quốc gia dân tộc thoát khỏi thân phận bị bóc lột, áp bức, nô dịch vươn tới địa vị người làm chủ, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận thành hiện thực sinh động, mở ra thời đại mới-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới vùng dậy đấu tranh vì mục tiêu cao cả là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đúng như V.I.Lenin đã nói: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu của thế giới văn minh”.

Vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp những nguyên lý nền tảng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nhất là về mối quan hệ giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, về cách mạng XHCN, về vị trí, vai trò của Đảng, của giai cấp công nhân... vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ và đang từng bước tiến hành cách mạng XHCN. Trong suốt quá trình cách mạng, mục đích cao cả của Đảng ta đặt ra hoàn toàn phù hợp với tư tưởng cơ bản và chủ đạo của tuyên ngôn, đó là giải phóng toàn xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tư tưởng cơ bản của tuyên ngôn đã được Việt Nam vận dụng vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và xây dựng Đảng. Về kinh tế, Đảng ta xác định, xây dựng CNXH ở Việt Nam trước hết và trung tâm là xây dựng, phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đồng thời với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, vì mục tiêu phát triển con người, mang đậm bản sắc dân tộc. Về chính trị, Đảng ta chủ trương tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Về xây dựng Đảng, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu trong tất cả các giai đoạn cách mạng; đồng thời khẳng định vấn đề nâng cao bản chất giai cấp công nhân là tư tưởng xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng để bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo. Trong đường lối cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và vận dụng tư tưởng cốt lõi của tuyên ngôn, coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Kỷ niệm 170 năm ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, nhìn lại chặng đường cách mạng của Đảng ta gần 9 thập kỷ qua, đặc biệt là những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử cũng như những hạn chế, yếu kém trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn những giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; từ đó chủ động, không ngừng vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp những nguyên lý nền tảng của tuyên ngôn vào điều kiện cụ thể nước ta để thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.