Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng bao kỷ niệm về một thời chiến tranh, nhất là Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn mãi trong tâm trí anh em chúng tôi, những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu thời kỳ giải phóng miền Nam.
Sau khi giặc Mỹ ồ ạt vào miền Nam, chúng đã vội vã nhảy lên Tây Nguyên. Hai năm (1966, 1967), với lòng dũng cảm và mưu trí dù ăn đói, mặc rét, dưới mưa bom, đạn nổ, Trung đoàn 320 chúng tôi cùng bốn trung đoàn bạn đã làm tiêu hao sinh lực của Lữ đoàn 173 và không vận số 1 của Mỹ. Trên hai mươi ngàn tên Mỹ, ngụy đã bị tiêu diệt, trên 300 máy bay bị bắn cháy và bắn rơi, trên 500 ô tô và xe tăng bị bắn cháy, hơn 400 khẩu pháo bị phá hủy... Ta phá tan âm mưu tiêu diệt chủ lực cách mạng Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra và tướng Óet-mo-len, buộc chúng về phòng thủ thị xã, thị trấn, các trục đường giao thông, đẩy quân ngụy ra phía trước. Kết thúc chiến dịch, đơn vị về căn cứ, anh em chúng tôi rất phấn khởi trước những chiến công đã lập được. Chúng tôi vui mừng học tập Nghị quyết Trung ương 14 (khóa III), phấn khởi khi Đảng nhận định đế quốc Mỹ thất bại về cơ bản trong chiến tranh đặc biệt, phải chuyển sang chiến tranh cục bộ. Đó là một thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam.
Tôi vẫn nhớ trước Tết bốn ngày, trung đoàn tôi và bốn trung đoàn bạn đã bí mật vào vị trí chiến đấu. Sở chỉ huy đặt tại cao điểm 857, tiểu đoàn bộ binh chốt chặn đường 18 - nơi xuất phát từ thị trấn Đắc Tô (Kom Tum) chạy vào biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, có nhiệm vụ chặn địch phá cầu, thu hút Sư đoàn 4 Mỹ và giam chân chúng trên địa bàn được phân công. Những ngày cuối năm 1967 ấy, chúng tôi vừa học chính trị, quân sự, vừa chuẩn bị lương thực cho chiến dịch mới. Không có bánh chưng, anh em chúng tôi nghĩ ra sáng kiến gói bánh chưng bằng sắn. Chúng tôi tìm cây rừng, lấy gốc làm cối giã sắn, dùng màn tuyn Mỹ lọc bột làm bánh, lấy thuốc đỏ nhuộm tạo thành hoa đào, cắt khẩu hiệu chào Xuân Mậu Thân. Giữa bao la đại ngàn Tây Nguyên, chúng tôi được nghe đội văn nghệ xung kích của Tổng cục Chính trị do anh Doãn Nho phụ trách biểu diễn (phục vụ cho anh em từng phân đội ăn Tết trước để đơn vị kịp lên đường vào chiến dịch).
Đêm 30, chưa đến giờ giao thừa, cán bộ chiến sĩ đã có mặt đông đủ dưới chiến hào háo hức đón nghe Bác Hồ chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đứng thời khắc tiễn năm cũ, đón chào năm mới, mọi người nghe như nuốt từng lời của Bác. Riêng tôi cảm nhận lời Bác như hịch ba quân tướng sĩ thuở nào, đến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi trong trái tim câu kết: "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta." Sau lời chúc Tết của Bác, toàn chiến trường miền Nam vang dội tiếng súng. Pháo của đơn vị chúng tôi dội như bão lửa xuống trận địa pháo của địch trên đồi Đăk Mốt, thuộc địa phận Đắc Tô. Phân đội đặc công trôi xuôi theo dòng sông Pô cô xuống đánh sập cầu Đăk Mốt, chặn không cho quân địch từ thị xã Kon Tum di lên cứu viện. Khắp nơi, quân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, tập trung vào 4 thành phố lớn, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn đánh và hầu hết các cơ quan đầu não Trung ương, địa phương cả Mỹ lẫn ngụy, 4 bộ tư lệnh quân khu, quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn và nhiều chỉ huy Mỹ, ngụy. Trận đánh ác liệt nhất trong đợt 1 Tổng tiến công Tết Mậu Thân của ta tại Huế, chỉ 25 ngày đêm ta làm chủ thành phố Huế nhưng đó thực sự là "một đòn sét đánh" đối với Mỹ, ngụy. Súng nổ cả đêm, đến sáng bọn ngụy kháo nhau trên bộ đàm rằng Sài Gòn và toàn miền Nam bị quân ta đánh tơi tả. Dinh Độc Lập, đại sứ quán Mỹ, sân bay Tân Sơn Nhất đều bị quân ta tấn công.
Những ngày tiếp sau, máy bay địch không hoạt động nhiều trên trận địa chúng tôi, chỉ có pháo bầy thỉnh thoảng phản lên trận địa. Các cuộc phản kích của Mỹ, ngụy đều bị đơn vị tôi bẻ gãy. Theo yêu cầu nhiệm vụ, trung đoàn tạm biệt chiến trường Tây Nguyên, tiến về Đông Nam Bộ (Lộc Ninh). Đợt 2 chiến dịch Mậu Thân, trung đoàn đã thích nghi chiến trường với khí thế mới là các đồn điền cao su. Trung đoàn lập chiến công khi diệt 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1 bộ binh được mệnh danh là “Anh cả đỏ” của Mỹ. Trận này ta bắn rơi 6 máy bay, bắn cháy 16 xe tăng (trong này có tên trung tướng chỉ huy sư đoàn “Anh cả đỏ”)...
Kết thúc chiến dịch Mậu Thân, ta thắng lớn, buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra và tướng Oét-mo-len phải từ chiến và Mỹ phải vào ngồi đàm phán với ta tại Pari (Pháp) về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.