Sau 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp.
Chiều 17-4, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 23, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp để cho ý kiến việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thông qua 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa trình dự án Luật Quản lý phát triển đô thị tại kỳ họp thứ 5 để tiếp tục chuẩn bị. Đối với 2 dự án Luật mà Chính phủ chưa chuẩn bị kịp để trình tại phiên họp này đó là: Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban có liên quan phối hợp chặt chẽ với Chính phủ khẩn trương chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến sẽ họp từ ngày 14 – 16/5, sẽ là phiên họp cuối để cho ý kiến các nội dung còn lại của kỳ họp thứ 5. Phiên họp này tập trung cho ý kiến các vấn đề về: kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; ý kiến, kiến nghị cử tri và một số dự án Luật, Nghị quyết và một số vấn đề quan trọng khác.
“Đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình để bảo đảm chất lượng các nội dung, cũng như các công tác bảo đảm khác góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Trước đó, cũng trong chiều 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong quá trình thực hiện 4 Luật đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn về một số nội dung như: cấp giấy phép xây dựng; nội dung, trình tự thẩm định dự án; quản lý an toàn công trình xây dựng; lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, nhà ở, bất động sản…
Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Đảng thời gian qua đều nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hẹp lĩnh vực kinh doanh có điều kiện... Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc sửa những Luật này khá đồ sộ và khó bởi phạm vi điều chỉnh được các xác định đa mục tiêu, mà theo dự tính ban đầu là chỉ sửa Luật quy hoạch. Bà Nga cũng nêu những băn khoăn của mình về bản báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động, đây là hai tài liệu vô cùng quan trọng đã được thông qua chính thức chưa và những số liệu đã được cân nhắc, bàn kỹ chưa?
Về quan điểm sửa đổi Luật, bà Lê Thị Nga nêu rõ: “Một trong những quan điểm sửa đổi trong tờ trình thiếu 2 quan điểm rất quan trọng. Thứ nhất là sửa trên cơ sở thống nhất thực tiễn cái gì vướng mắc. Vướng mắc sẽ có hai loại, đó là do tổ chức thực hiện thì không nên sửa luật, thứ hai là do bản thân luật ấy thì mới đưa đi sửa luật. Hiện nay trong quan điểm sửa đổi lại không có căn cứ vào kết quả tổng kết thi hành để sửa thì đưa báo cáo tổng kết vào đây để làm gì. Trong lý do sửa đổi không đưa ra quan điểm sửa đổi này”.
Dưới góc nhìn của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc sửa luật theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là việc làm cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, người dân.
“Ví dụ như thanh toán phí bảo trì chúng cư, xây dựng chung cư cũ, phòng chống cháy nổ, quản lý kinh doanh bất động sản, căn hộ, khách sạn... Đúng là thực tế đặt ra như vậy. Nhưng rất tiếc, tổng kết thực tiễn chưa đầy đủ, đánh giá tác động cũng chưa rõ. Thường vụ rất mong muốn phải có thời gian và chuẩn bị kỹ” – ông Uông Chu Lưu cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cho đến ngày 16/4, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới tiếp cận được tài liệu liên quan đến các Luật này. Ông đề xuất, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ tách Luật Quy hoạch đô thị và Luật Kinh doanh bất động sản vì nó có nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, cho nên tách ra để sửa một luật sửa 13 luật.
Với tư cách là cơ quan soạn thảo văn bản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, nội dung Bộ đề nghị sửa đổi liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh ở 4 luật này dựa trên kết quả tổng kết hơn 2.000 ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại các kỳ họp Quốc hội, các doanh nghiệp.
Theo ông, đây là cả một cuộc đấu tranh trong nội bộ của các Bộ, vì cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là cắt giảm một số công việc liên quan đến một vài cơ quan nào đó trong nội bộ các Bộ.
“Tôi mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận sửa đổi ngay một số nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Chúng tôi xin khẳng định đã được đánh giá kỹ, còn ở đâu đó trong hồ sơ chưa thể hiện được vấn đề đó, chưa thể hiện được suy nghĩ của mình thì qua ý kiến các đồng chí, chúng tôi xin hoàn chỉnh lại đưa ra kỳ họp này hay kỳ họp sau là tùy các đồng chí quyết định, nhưng theo tôi là những vấn đề hết sức cấp bách” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu ý kiến.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải hết sức hạn chế phương thức dùng một Luật để sửa nhiều Luật, chỉ áp dụng phương thức này trong trường hợp thực sự cần thiết.
Thời gian qua Chính phủ đã dành thời gian nhiều hơn, có những cuộc họp chuyên đề chỉ làm luật, đây là sự phối hợp rất tốt giữa Chính phủ và Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần phải quan tâm hơn cho hoạt động xây dựng pháp luật để khi đề xuất thuyết phục được Quốc hội và trước khi ra Quốc hội thì thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.