Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistics

14:47, 16/04/2018

Ngày 16-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước và đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp (DN), DN sản xuất các ngành hàng, kinh doanh dịch vụ Logistics, vận tải, hỗ trợ vận tải. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (ảnh); các sở, ban ngành liên quan.

Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.” (Theo Luật Thương mại 2005).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thông tin về thực trạng dịch vụ Logistics tại Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành Logistics Việt Nam tăng khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, chi phí vận tải của dịch vụ logistics chiếm tỉ lệ cao (khoảng 59-60%); vận tải đa phương thức chưa phát triển, quy mô DN logistics còn quá nhỏ. Và nguyên nhân khiến dịch vụ này chưa thể bứt phá là do giao thông Việt Nam chưa thực sự đồng bộ, mất cân đối đầu tư giữa các loại hình vận tải, thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện để làm cầu nối trung chuyển…

Vì thế Hội nghị lần này là dịp để các Bộ, ngành và các DN liên quan đến dịch vụ logistics trực tiếp trình bày với Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để hoạt động logistics, kinh doanh vận tải thuận lợi, hiệu quả hơn. Trong đó, các nội dung được khuyến nghị nhiều như: cần sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ liên quan đến Logistics; tăng cường kết nối hạ thống giao thông, tái cơ cấu thị trường nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và thủy nội địa; sớm xây dựng trung tâm nghiên cứu dự báo, chuẩn bị nhân lực cho logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu… từ đó, góp phần giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực giao thông vận tải.