Xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức và người lao động trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

07:59, 19/04/2018

Nhìn lại hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đội ngũ công nhân, viên chức và người lao động (CNVCLĐ) cả nước nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã không ngừng lớn mạnh kể cả về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng trí thức hóa.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 210.000 CNVCLĐ, trong đó công nhân làm việc trong khu vực doanh nghiệp trên 150.000 người, đang sinh hoạt tại 1.372 công đoàn cơ sở (CĐCS). Chất lượng đội ngũ CNVCLĐ đã được tăng lên đáng kể, phần lớn lao động trong các doanh nghiệp đang ở độ tuổi lao động trẻ, sức khỏe tốt, tỷ lệ CNLĐ đã qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó trình độ đại học, cao đẳng đạt 30,9%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định: “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đây là những tiền đề, động lực quan trọng để xây dựng phát triển đội ngũ CNVCLĐ và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Thái Nguyên tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 28/1/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 02/5/2008 để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ và tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân với nhiều hình thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Chương trình hành động đề ra. Cùng với những nhà máy, khu công nghiệp đã được xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 6 khu công nghiệp với diện tích 1.420 ha, 23 cụm công nghiệp đã được thành lập, trong đó 19 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích 772,5 ha. Đặc biệt là tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, Dự án đa kim Núi Pháo… không chỉ tạo việc làm cho hàng vạn CNVCLĐ mà còn tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận với môi trường làm việc hiện đại, công nghệ tiên tiến, tính kỷ luật cao. Qua đó góp phần rèn luyện tác phong, bản lĩnh của người công nhân thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Được sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn, đội ngũ công nhân Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Diesel Sông Công luôn yên tâm gắn bó với đơn vị. Trong ảnh: Giờ tan ca của công nhân Xưởng rèn 1.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền luôn quan tâm phát triển đội ngũ CNVCLĐ của tỉnh, thông qua các cơ chế, chính sách, chỉ đạo các tổ chức công đoàn tạo điều kiện nâng cao trình độ về mọi mặt, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, người lao động. Trong giai đoạn 2013-2018, tổ chức công đoàn đã phát triển mới 81.007 đoàn viên, vượt 405% so với kế hoạch Đại hội đề ra, đạt 116% kế hoạch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao; thành lập mới 81 công đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ đã được các cấp công đoàn thường xuyên phát động, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; tiêu biểu như các phong trào: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu". Qua đó đã khơi dậy lòng nhiệt tình, tính năng động sáng tạo của CNVCLĐ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Nhà nước. Trong 5 năm qua có 31.105 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, mang lại giá trị làm lợi trên 219 tỷ đồng, trong đó đã có gần 100 đề tài sáng kiến, giải pháp của CNVCLĐ tham gia và đạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật hàng năm do Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức. Thông qua các phong trào thi đua, Công đoàn các cấp  đã giới thiệu cho các tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp nhiều đoàn viên ưu tú vào Đảng. Trong 5 năm qua, tổ chức công đoàn đã giới thiệu 13.288 đoàn viên công đoàn ưu tú và đã có 12.462 CNVCLĐ được kết nạp vào Đảng, trong đó công nhân lao động trực tiếp sản xuất, cán bộ công đoàn cơ sở chiếm 10,66%, đã có 306 cán bộ công đoàn (từ ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở trở lên) trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, nhiều cán bộ, đoàn viên được giới thiệu và bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp.

Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tư vấn biện pháp bảo vệ sức khỏe và khám bệnh miễn phí cho công nhân lao động.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Công đoàn tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra nhằm xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các cấp công đoàn cần tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho CNVCLĐ gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Xây dựng đội ngũ CNVCLĐ tỉnh ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, tổ chức Công đoàn các cấp cần chủ động đổi mới nội dung và hình thức các phong trào thi đua phù hợp với môi trường hoạt động nhưng tập trung hướng về cơ sở. Nội dung phong trào thiết thực, tránh hình thức, hướng tới các mục tiêu "kỷ cương - trách nhiệm"; "năng suất - chất lượng - hiệu quả”; “việc làm - đời sống - nhà ở”; "nghĩa vụ - quyền lợi - bình đẳng". Trong đó, đặc biệt quan tâm đến CNVCLĐ là những người trong diện chính sách, người dân tộc thiếu số, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ba là, các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ và cải tiến phương thức hoạt động của các cấp công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn, làm cho Công đoàn không ngừng lớn mạnh, thực sự là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVCLĐ, đại diện cho sức mạnh, tài năng, trí tuệ và lợi ích của công nhân, lao động. Cần phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng và tăng cường các hoạt động xã hội để tập hợp, động viên được đông đảo CNVCLĐ trong tất cả các thành phần kinh tế. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, theo phương châm “vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động”. Đẩy mạnh việc thành lập tổ chức Công đoàn ở khu vực kinh tế tư nhân, liên doanh và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động, đồng thời là chỗ dựa tin cậy để phát huy vai trò làm chủ của công nhân, lao động.

Bốn là, Tổ chức Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan, tổ chức của mình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quan tâm hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ gìn sự trong sạch, bản chất cách mạng trong sáng của Đảng. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp đảng viên từ những đoàn viên ưu tú của công đoàn và bổ sung cho Đảng những cán bộ xuất sắc, trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, nhằm góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.