“Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn” - những câu thơ trong bài “Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu như nói hộ tâm trạng của mỗi người khi về thăm ATK Định Hóa. Đúng ngày này 71 năm trước (20/5/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn xã Điềm Mặc là nơi đầu tiên ở và làm việc, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian trôi qua, bóng hình và hơi ấm của Người như vẫn còn vẹn nguyên, tiếp sức cho mảnh đất và người dân nơi đây vươn mình phát triển.
Đối với những người làm báo, Điềm Mặc là một địa danh quen thuộc bởi có di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950). Nằm ở trung tâm của vùng ATK Định Hóa, nên Điềm Mặc có tới 24 điểm di tích lịch sử, trong đó 6 di tích cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh. Hẹn lãnh đạo UBND xã khá muộn nên tôi quyết định đi một vòng tham quan các điểm di tích. Sớm tháng 5 mát mẻ, chạy xe máy chầm chậm trên những con đường bê tông uốn lượn, hai bên là ruộng lúa, nương chè xanh mướt có thể cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây đang từng ngày khởi sắc. Đây là xóm Phụng Hiển với di tích nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh; rồi nơi ở và làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái ở Khẩu Hấu, Khẩu Tràng; cơ quan Nông vận Trung ương và Hội Nông dân cứu quốc ở Bản Lá; nơi khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh ở Đồi Cọ, Bản Bắc… Tại di tích đồi Khau Tý, chúng tôi tình cơ gặp ông Hoàng Văn Thấm, xóm Bản Tiến và anh Phùng Văn Hùng, Phó Bí thư Đoàn xã Điềm Mặc đang quét dọn. Ông Thấm nói: Hôm qua có mưa lớn nên lá rụng nhiều, một số cây bị nghiêng đổ. Chúng tôi tranh thủ dọn dẹp cho sạch sẽ, dịp này là kỷ niệm sinh nhật Bác nên có nhiều người đến tham quan.
Đồi Khau Tý - nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK Định Hóa nằm kế bên cánh đồng lúa xanh ngút ngàn. Dòng suối Đình uốn khúc dưới chân đồi khẽ róc rách cùng với gió và lá rừng xào xạc. Trong căn nhà sàn 5 gian xưa còn giữ nhiều hiện vật, tranh ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Lịch sử ghi lại: Vào đêm 19, rạng ngày 20/5/1947, Bác Hồ đến xã Điềm Mặc. Người nghỉ tại nhà sàn của ông Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Định Hóa. Ngày hôm sau, Bác chuyển lên lán nhỏ trên đỉnh đồi Khau Tý. Với địa hình cao, cây cối rậm rạp, có con đường mòn ra Quảng Nạp, đi Sơn Dương, xuống Đại Từ, ra Phú Lương, lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) nên nơi đây rất thuận lợi cho các hoạt động cách mạng. Bác Hồ đã ở và làm việc Điềm Mặc trong thời gian từ ngày 20/5 đến tháng 11/1947. Đây cũng là nơi Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng. Từ nhà sàn, chúng tôi bước trên con đường rợp mát bởi hàng cọ và những cây cổ thụ che bóng để thăm lán nhỏ ở đỉnh đồi. Từ xa nhìn lại, căn lán đơn sơ như được bao bọc bởi hai cây lim và trám đen cổ thụ phía sau.
Có một điều dễ nhận thấy là các di tích trên địa bàn xã Điềm Mặc đều giữ nét cảnh quan của rừng tự nhiên và khuôn viên luôn sạch sẽ. Điều này được ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã lý giải: Điềm Mặc luôn xác định việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, giao cho các đoàn thể và trường học thường xuyên đến quét dọn, kết hợp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Cụ thể như: Trường THCS Hoàng Ngân phụ trách cụm di tích ở Roòng Khoa gồm Hội Nhà báo, Ủy ban Hòa bình, Hội Nông dân; Trường Tiểu học Điềm Mặc phụ trách di tích Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lán nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; Trường Mầm non là di tích Cục Điện ảnh và Nhiếp ảnh; các đoàn thể phụ trách điểm di tích còn lại. Còn về cảnh quan, xã đã kiến nghị và phối hợp với Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa chuyển đổi toàn bộ rừng sản xuất quanh các di tích sang rừng đặc dụng. Người dân khi có rừng bị chuyển đổi được hỗ trợ 25 triệu đồng/ha và tiền khoán bảo vệ hằng năm. Cùng với đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên bà con đều có ý thức bảo vệ cảnh quan, nhiều hộ còn chủ động ươm hạt và trồng lại nhiều diện tích cọ từng bị phá trước đây.
Vinh dự tự hào, đi cùng với trách nhiệm khi là một trong những xã trung tâm của vùng chiến khu cũng là tư tưởng mà tập thể Đảng bộ xã Điềm Mặc luôn xác định. Ông Ma Duy Vụ nói: Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để xây dựng được tập thể Đảng bộ đoàn kết, chính quyền vững mạnh đủ sức lãnh đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm đã đề ra. Để làm được điều này, Đảng ủy xã nhấn mạnh cốt lõi vẫn là công tác cán bộ như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy. Trên tinh thần đó, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị luôn được chú trọng thực hiện. Minh chứng là hệ thống tổ chức chính trị - xã hội là một trong những tiêu chí nông thôn mới Điềm Mặc hoàn thành sớm nhất; Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đều đạt tiêu trong sạch vững mạnh. Việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết được thực hiện bài bản và khoa học.
Từ chủ trương, định hướng đúng đắn đã giúp kinh tế - xã hội của Điềm Mặc có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể là sau nửa nhiệm kỳ 2015-2020, các mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tuy vẫn nằm trong nhóm xã nghèo của huyện Định Hóa nhưng thu nhập bình quân của người dân đã đạt mức 23 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu đồng so với năm 2015). “Ở Điềm Mặc giờ đã có những hộ làm được chè bán với giá 300.000 đồng/kg như anh Mông Chí Điệp, ở xóm Đồng Vinh; nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp có doanh thu cả tỷ đồng; du lịch lịch sử gắn với nét đặc sắc về văn hóa và cảnh quan, nhất là tại làng văn hóa Bản Quyên cũng bắt đầu thu hút được khách lưu trú, mang lại thu nhập cho người dân. Đấy là những tín hiệu vui để Điềm Mặc từng bước nhân rộng và phát triển, giúp đời sống người dân khởi sắc hơn nữa” - ông Ma Duy Vụ phấn khởi.
Hơn 70 năm đã trôi qua, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Điềm Mặc nói riêng và ATK Định Hóa nói chung đang từng ngày thay đổi. Những con đường nhựa, đường bê tông giờ phổ biến, trường học, trạm y tế và các dịch vụ khác được nâng cao để bảo đảm sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Điềm Mặc khởi sắc trong sức trẻ tươi xanh của núi non, ruộng đồng đúng như mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.