Khu vực Đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội (Đại Từ) là địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc cuối cùng trước khi rời “Thủ đô kháng chiến” về Thủ đô Hà Nội (tháng 10-1954). Chính tại đây, Bác đã cùng Bộ Chính trị và Chính phủ có những quyết định quan trọng nhằm ổn định đời sống kinh tế, văn hóa, công tác đối ngoại... trong thời kỳ đầu lập lại hòa bình ở miền Bắc. Đặc biệt, đây là nơi diễn ra Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chúng tôi đến xóm Thắng Lợi, nơi có khu di tích lịch sử mà nhân dân địa phương thường gọi là Đồi Giang vào một ngày tháng 5 đầy nắng. Theo lời kể của bà con ở đây thì sở dĩ có cái tên đó là vì trước đây, khu vực này đồi núi nối nhau, có rất nhiều cây giang, cây nứa mọc dày rậm. Đồi Giang là quả đồi cao nhất, nhìn ra xung quanh có các quả đồi thấp dần, tiếp đến là những cánh đồng. Đứng ở Đồi Giang, mọi người có thể quan sát được một vùng rộng lớn xung quanh. Vì thế, năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi đây để dựng căn nhà khá lớn làm nơi ở và làm việc của Bác cùng một số cơ quan Trung ương. Ngôi nhà được dựng bằng tre, nứa, mái lợp lá cọ, có nhiều phòng chức năng như: phòng tiếp khách, phòng khánh tiết, phòng nghỉ… Xung quanh có hành lang với lan can làm bằng nứa, vầu.
Thời gian Bác ở và làm việc tại đây là từ tháng 7 đến tháng 10-1954. Trong khoảng thời gian ấy, Bác và Chính phủ đã long trọng tổ chức Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước ta. Ngày 1-9-1954, Lễ trình Quốc thư đầu tiên được Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng hai nước. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nhà nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Để ghi nhớ mốc son này, năm 2011, khu vực Đồi Giang đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh và trở thành nơi tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh, thiếu niên và thường xuyên được các em học sinh trong xã quét dọn vệ sinh, trồng cây xanh, trồng hoa, tạo khuôn viên sạch đẹp. Đến năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư dựng nhà bia, phục hồi nhà hội trường, nhà đón tiếp khách tham quan, xây dựng sân, đường lên xuống di tích trên khuôn viên rộng 2,2ha. Đầu năm 2018, di tích tiếp tục được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, xứng tầm với sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang trưng bày những bức ảnh ghi lại hình ảnh Lễ nhận Quốc thư, hình ảnh kháng chiến của cách mạng Việt Nam. Tại các gian phòng, đặt các tấm bia ghi lại khá chi tiết về quá trình diễn ra Lễ nhận Quốc thư, từ những lời hứa trịnh trọng của Đại sứ nước bạn, đến những đáp từ xúc động và chân tình của Bác. Sau khi trình Quốc thư, Bác Hồ mời Đại sứ La Quý Ba dự Lễ duyệt binh ngay sườn đồi, có đội kèn cử Quốc thiều hai nước, chúng ta có tiêu binh mặc đồ dã chiến. Tại vạt đồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp, trao đổi và nói chuyện với Đại sứ, tạo không khí gần gũi.
Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự chăm sóc, bảo vệ của người dân, nơi đây đã trở thành một điểm di tích hấp dẫn khách du lịch với không khí trong lành, mát mẻ và cảnh sắc núi đồi tươi xanh.
Đến nay, tại khu vườn chè của gia đình chị Nguyễn Thị Hảo, đội 4, xóm Thắng lợi vẫn còn dấu vết của téc xăng dùng trong thời kỳ đó do Đại sứ quán Trung Quốc để lại. Những người dân từng được gặp Bác trong quá trình Người ở đây tuy không còn nữa, nhưng họ vẫn truyền lại cho con cháu thế hệ hôm nay những lời căn dặn của Bác rằng phải cần cù lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để xây dựng cuộc sống ấm, no. Thực hiện lời dặn đó, những người con nơi miền quê này không lùi bước trước gian nan, quyết tâm tìm hướng vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, chiến thắng đói nghèo, đúng như tên gọi miền quê Thắng Lợi. Điều này thể hiện quá trình phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế của bà con trong xóm. Tìm hiểu về đời sống của bà con xóm Thắng Lợi, chúng tôi được chị Vũ Thị Hoan, Trưởng xóm cho biết: Xóm hiện có 85 hộ với trên 340 nhân khẩu. Trước đây xóm thuộc tốp nghèo nhất xã. Năm 2007, xóm còn 32 hộ nghèo, hơn 30 hộ cận nghèo. Lý do nghèo là do ở đây 100% hộ dân làm nông nghiệp, trong khi xóm lại khó khăn về nước sản xuất nên đồng ruộng mất mùa liên miên. Khoảng năm 2010, bà con bắt đầu chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè. Là địa phương đưa cây chè vào sản xuất khá muộn so với các vùng chè khác, nên người dân Thắng Lợi biết tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các vùng chè khác để đầu tư hiệu quả. 100% diện tích chè trồng mới ở xóm đều được bà con sử dụng các giống chè giâm cành như: LDP1, Kim Tuyên, Bát Tiên…
Do biết cách chuyển hướng trong sản xuất, phát triển kinh tế, nên đời sống người dân trong xóm ngày càng khấm khá, năng suất chè của xóm luôn đạt ở mức cao. Chè đã trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương. Hiện toàn xóm có 14,5ha chè, năng suất bình quân đạt khoảng 100 tạ/ha. Đến nay, xóm chỉ còn 5 hộ nghèo, còn lại hầu hết các gia đình đã có nhà xây khang trang và tiện nghi đầy đủ, một số hộ có cuộc sống sung túc nhờ biết cách sản xuất, chế biến chè.