Gặp cô thôn nữ trong bức ảnh bên Bác năm xưa

09:07, 19/05/2018

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ánh mắt của bà Dương Thị Bình vẫn ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào mỗi khi nhìn lại bức ảnh chụp cách đây hơn sáu thập kỷ. Bà chính là cô thôn nữ ôm bó lúa trong bức ảnh nổi tiếng Bác Hồ thăm nông dân Đại Từ sau cải cách ruộng đất 1954.

Cô thôn nữ Dương Thị Bình sinh ra và lớn lên ở xóm Bình, Điềm Thụy, Phú Bình. Sau ngày độc lập (2/9/1945) cô mới bắt đầu học lớp học bình dân học vụ, tham gia phong trào thanh niên. Năm 19 tuổi cô được kết nạp vào Đảng, được phân công làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã Nhã Lộng, cán bộ Phụ vận huyện Phú Bình, rồi cán bộ Nông hội tỉnh.

Bà Bình nhớ lại: Năm 1954, Đại Từ là huyện An toàn khu nên được Trung ương chỉ đạo trực tiếp về cải cách ruộng đất, trong đó 6 xã điểm thực hiện xong cải cách ruộng đất gồm Hùng Sơn, Bình Thuận, Trần Phú, Tân Thái, Độc Lập và An Mỹ. Với vai trò là cán bộ Nông hội tỉnh, tôi được giao xuống xã Bình Thuận và xã Hùng Sơn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Hôm ấy vào khoảng 9 giờ sáng, mùa gặt giữa tháng 9, chúng tôi đi gặt giúp dân tại cánh đồng làng Cả cạnh nhà thờ Yên Huy, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Mới cắt được bảy, tám ôm lúa, thì thấy đoàn người rất đông ở bên kia suối Tấm. Cúi xuống cắt tiếp, khi ngẩng lên đã thấy đoàn đi tới đầu bờ ruộng. Nhìn trong đoàn người, chúng tôi nhận ra Bác, mừng quá reo lên: “Bác Hồ! Bác Hồ!”, rồi ùa lên đón Bác.

Bác mặc bộ quần áo nâu sòng, dáng thanh thanh, gầy gầy, khăn vắt trên vai, tay chống gậy, xắn quần, chân đi dép cao su bước đi thoăn thoắt. Bác lội xuống ruộng và bảo mọi người đến gần bên Bác rồi ân cần hỏi: Sau cải cách ruộng đất rồi, bà con có trâu cày, ruộng cấy rồi dùng để làm gì? đồng chí Bí thư thị trấn Hùng Sơn trả lời Bác là: Chúng cháu sản xuất ạ. Bác nói tiếp: Sản xuất giờ thanh niên trai tráng đi bộ đội đánh giặc hết. Phụ nữ phải giúp nhau sản xuất làm ra nhiều lương thực để đóng góp cho nhà nước và để ăn no còn đánh thắng giặc, người hậu phương có lương thực ăn. Rồi Bác quay ra hỏi chuyện từng người... Thấy tôi cầm bó lúa trên tay, Bác hỏi Thế cô là thế nào? Thưa Bác, cháu là cán bộ Nông hội về đây chỉ đạo sản xuất, điều tra nông thôn, đi gặt giúp dân ạ! Bác bảo: Ừ, thế là tốt, cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới hiểu được nông dân, mới giúp đỡ được dân...

Đã 64 năm trôi qua kể từ lần bà Dương Thị Bình may mắn được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm nông dân huyện Đại Từ sau cải cách ruộng đất, để rồi cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, những ký ức ấy lại trở về ấm áp, tròn đầy. Lặng nhìn tấm ảnh trong phút chốc bà bồi hồi “Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Bác, sau này Bác có về lại Hùng Sơn thăm bà con, nhưng tôi đã chuyển công tác rồi. Ngày Bác mất, tôi đã khóc rất nhiều và tự hứa với Bác phải học tập, rèn luyện thật tốt, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi thường nói với con cháu rằng mẹ là người rất vinh dự trực tiếp được gặp Bác Hồ, Bác dạy mẹ phải kiên trì công tác, khó khăn mấy cũng phải vượt qua, vậy nên các con bây giờ đang công tác hay học tập dù khó khăn vất vả mấy cũng phải cố gắng mà làm tròn nhiệm vụ”.

Sau khi kết thúc cải cách ruộng đất, bà Bình được phân công đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau: cán bộ Ban công tác nông thôn Trung ương, nhân viên cấp phát tem phiếu; Phó phòng Hợp tác xã Nông nghiệp huyện Phổ Yên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện rồi Giám đốc Ty Lao động Bắc Thái... Ở cương vị nào bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những công lao đóng góp trong quá trình công tác, bà được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương, của tỉnh.