Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi ngân sách nhà nước 859 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đơn vị được chọn mẫu kiểm toán có số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, ban, ngành vượt so với quy định...
Chiều 21/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.
Theo Báo cáo Chính phủ, tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2015 chuyển sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2015, thu huy động đầu tư của NSĐP và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017); Bội chi NSNN 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 81.852 tỷ đồng).
Sử dụng vượt số biên chế công chức được giao
Sau khi nghe Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, thu NSNN năm 2016 mặc dù vượt dự toán 92.881 tỷ đồng nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỷ đồng và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 19.346 tỷ đồng. Như vậy vượt thu chỉ còn 23.916 tỷ đồng.
Một số bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định... Bên cạnh đó, dự toán hoàn thuế GTGT chưa sát với số thuế phải hoàn trong năm, dẫn đến phải động viên một số doanh nghiệp có số thuế GTGT được hoàn lớn đồng thuận tách quyết định hoàn thuế thành hai lệnh chi hoàn nhằm bảo đảm vừa chi trả cho người nộp thuế, vừa không vượt dự toán được giao (số thuế GTGT đã có quyết định hoàn năm 2016 phải chuyển sang năm 2017 để chi trả 1.077 tỷ đồng).
KTNN cũng nhận xét tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, trong đó: Sabeco 2.668 tỷ đồng; Habeco 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng…. Đặc biệt, qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 doanh nghiệp được đối chiếu…
Đáng chú ý, về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án, báo cáo của KTNN nêu rõ: Một số bộ, ngành và địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (vượt được giao 44.667 người, vượt định mức 18.612 người).
Ông Hồ Đức Phớc cho hay, “Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đơn vị được chọn mẫu kiểm toán có số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, ban, ngành vượt so với quy định; giữ chức danh hàm và hưởng phụ cấp hàm không có trong quy định của Nhà nước”.
Nợ công trong giới hạn nhưng khả năng trả nợ rất khó khăn
Trong khi đó, Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020; việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương (loại trừ thu sử dụng đất) hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng; loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách trung ương (NSTW) hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu. Đồng thời nếu không có khoản tăng thu sử dụng đất từ sắp xếp, xử lý nhà đất của các cơ quan trung ương 9.262 tỷ đồng là khoản thu có mục tiêu, ghi thu - ghi chi qua ngân sách nhưng đã sử dụng giải pháp tình thế nộp vào NSNN để bù đắp hụt thu thì thực chất NSTW hụt thu cân đối 10.660 tỷ đồng và chỉ đạt 98,21% dự toán.
Việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu NSTW vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,5%). “Đây cũng là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập (còn thiếu 5/7 nghị định để thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/NĐ-CP); thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức và số chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn quá lớn” – Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến bội chi ngân sách và nợ công, cơ quan thẩm tra cho rằng, năm 2016, số bội chi đã thấp hơn nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên tỷ lệ bội chi vẫn vượt mức Quốc hội cho phép (4,95% GDP). Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm điều hành để kiểm soát bội chi các năm sau bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP.
Nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, tuy các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép (dư nợ Chính phủ là 52,8% GDP, nợ công là 63,8% GDP) nhưng khả năng trả nợ hiện nay rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ; kiểm soát ODA còn bất cập từ kiểm soát tổng mức vay đến lập, giao dự toán hàng năm. Đồng thời, kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều dự án vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ hoặc ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ; một số địa phương có dư nợ vượt mức quy định, bố trí vốn cho các công trình không có trong danh mục đăng ký, không xây dựng hạn mức vay, không lập kế hoạch vay, trả nợ vay...
Những bất cập này khi có Luật quản lý nợ công sửa đổi (năm 2017) đã từng bước được khắc phục nhưng hệ quả của năm 2016 và các năm trước phải mất một thời gian dài mới có thể xử lý được./.