Đổi thay trên vùng quê cách mạng Phú Đình

09:33, 08/06/2018

Tự hào là vùng đất chiến khu cách mạng, nơi ra đời Lời kêu gọi thi đua ái quốc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương ngày càng no ấm. Từ một vùng quê còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, diện mạo của xã Phú Đình hôm nay đang có những đổi thay tích cực.

Cách đây tròn 70 năm, vào ngày 11-6-1948,  tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình (Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm động viên nhân dân ta “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” và quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đáp lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thi đua lao động sản xuất, đánh giặc thực dân, giành nhiều thắng lợi trên mọi mặt trận. Những phong trào thi đua tiêu biểu như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” “Hũ gạo kháng chiến,” “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”… đến các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng,” “Phụ nữ ba đảm đang,” “Tuổi nhỏ chí lớn”… đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân cả nước tích cực lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Không chỉ là nơi ra đời Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Phú Đình còn được coi là trung tâm của vùng căn cứ địa cách mạng ATK Định Hóa - nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã sống, làm việc trong suốt những năm kháng chiến gian khổ. Ngày nay, xã Phú Đình còn trên 30 điểm di tích gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc như: Lán Tỉn Keo, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; Đồi Pụ Đồn, nơi phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948; Lán Khuôn Tát, nơi Bác Hồ ở và làm việc trong giai đoạn 1947-1954… Những điểm di tích này đã được Nhà nước đầu tư phục dựng trở thành điểm thăm quan du lịch và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Tự hào là vùng đất chiến khu cách mạng, nơi ra đời lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong công cuộc đổi mới ngày nay, Đảng bộ và nhân dân xã xã Phú Đình đã đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến Phú Đình hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay của miền quê cách mạng từng được coi là “thâm sơn cùng cốc”. Những con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn quanh các đồi cọ, nương chè xanh mát mắt đã ghép nên  một bức tranh đa màu sắc về một vùng quê cách mạng đang đổi mới từng ngày.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho biết: Với đặc thù là một xã miền núi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, trước đây, đời sống của người dân xã Phú Đình còn rất nhiều khó khăn. Nhưng vài năm trở lại đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, điện lưới quốc gia đã thắp sáng khắp các bản, làng; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã ngày càng được nâng lên.

Không chỉ trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà Nước, người dân xã Phú Đình còn luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng bằng cách tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nếu như trước kia, kinh tế của đồng bào ở Phú Đình chỉ dựa vào cây trồng truyền thống là cây lúa và cây ngô, cuộc sống quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Thì nay, các hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những loại cây trồng mới như: Ngô lai, khoai tây, bí đỏ… được trồng ngày càng phổ biến đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Song song với đó, người dân trong xã đã chuyển đổi những diện tích chè trung du cho năng suất thấp sang trồng các loại chè cành cho năng suất, sản lượng cao như: LDP1, PH1, Bát Tiên, TRI 777... Hiện xã có trên 250 ha chè, trong đó trên 70% là giống chè cành chất lượng cao. Sản lượng chè búp tươi của toàn xã đạt trên 28.000 tấn/năm. Thu nhập của người trồng chè đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, vài năm trở lại đây, các điểm di tích lịch sử trên địa bàn xã còn thu hút rất đông du khách đến thăm quan, góp phần tạo đà cho địa phương phát triển kinh tế gắn với du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ sự năng động, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, những năm qua đời sống của người dân xã Phú Đình đã ngày càng được cải thiện. Hiện nay, mặc dù vẫn nằm trong nhóm xã nghèo của huyện Định Hóa nhưng thu nhập bình quân của người dân Phú đình đã đạt mức 21 triệu đồng/người/năm (tăng 13 triệu đồng so với năm 2012). Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 29,7% (năm 2012 là 62%). Trên địa bàn xã hiện nay đã không còn hộ đói, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học đầy đủ… Những ngày này, khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời thi đua ái quốc, đồng bào các dân tộc trên quê hương cách mạng Phú Đình cũng đang ra sức thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới với mục tiêu từ nay năm 2019 sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới, đưa thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%...