Ngày 21-5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCH TW) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Đây là Nghị quyết quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với cải cách chính sách tiền lương trong bối cảnh hiện đại hóa nền kinh tế, tăng cường cam kết và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
"Phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động" (Tổng Bí thư BCH TW Đảng Nguyễn Phú Trọng). |
Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003). Đây là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng.
Thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Ðảng và Nhà nước đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương, hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn.
Nghị quyết số 27-NQ/TW đã thể hiện những quan điểm chỉ đạo quan trọng, trong đó coi tiền lương là một chính sách rất quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Nghị quyết chỉ rõ, phải có sự cải cách mạnh mẽ tiền lương ở cả khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Trong đó, đối với khu vực công, Nghị quyết xác định vấn đề chính nằm ở hệ thống mức lương cơ sở với hệ số phức tạp và quá nhiều loại phụ cấp. Cần xây dựng một hệ thống tiền lương mới cho khu vực công, gắn với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ. Phấn đấu tới năm 2021, mức tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Nghị quyết yêu cầu trả lương trong khu vực công cần bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động, nghĩa là dần tiến tới bình đẳng về trả lương giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng ghi nhận đúng đắn vai trò của tiền lương tối thiểu là “mức sàn (tiền lương) thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế”, đồng thời coi tiền lương tối thiểu là căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong việc định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu trên cơ sở cân nhắc đầy đủ yếu tố năng suất lao động và chỉ số giá tiêu dùng. Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề “thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động” là cơ sở để xác định tiền lương tại các doanh nghiệp. Do đó, Nghị quyết nhấn mạnh việc nâng cao vai trò và năng lực của công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện hiệu quả Đề án Cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu phải khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương; coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương; xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới; quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương… Hoàn thiện cơ chế thoả thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Xem xét điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc độc lập tương đối với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; từng bước thực hiện đúng bản chất của mỗi lĩnh vực, bảo đảm tối đa quyền lợi của từng nhóm đối tượng.
Với nhiều đổi mới, Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp lần này mang tính lịch sử định hướng trong tiến trình cải cách tiền lương của nước ta.