Những liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) ngã xuống trong sự kiện đế quốc Mỹ ném bom tại ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) vào đêm Noel 1972 đều còn rất trẻ, đa phần chưa bước qua ngưỡng tuổi 20. Năm tháng trôi qua, đau thương năm nào theo thời gian cũng dần dịu lại. Giờ đây, họ trở về trong ký ức của người thân và đồng đội với hình ảnh đẹp đẽ của tuổi trẻ hồn nhiên, đầy nhiệt huyết, sống có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc.
Trách nhiệm với gia đình
“Trước khi tham gia TNXP, nó cứ dặn đi dặn lại tôi ở nhà chăm sóc các em. Nếu con có chết vì bom Mỹ thì gia đình cũng đừng quá đau buồn bởi con đi làm nhiệm vụ cho Tổ quốc. Lần cuối cùng nó về thăm nhà có mang theo túi đường để trong mũ cối, chắc chừng 2kg. Nó bảo u ơi, có gì ăn với đường không. Nhà lúc đó chỉ có ngô và đỗ đen bung lên, trộn với đường mà thấy ngon đáo để. Tôi biết đó là chế độ của đơn vị dành cho TNXP nhưng nó không ăn mà mang về cho gia đình” - cụ Nguyễn Thị Nguyệt, hồi tưởng lại về người con cả, liệt sĩ Hoàng Văn Tung. Trong tâm trí của người mẹ đã gần 100 tuổi cứ lúc nhớ, lúc quên. Bà hỏi chúng tôi là các cháu có biết thằng Tung không? Bà bảo nó to béo, đẹp trai lắm, ngoan ngoãn lại tích cực tham gia phong trào thanh niên nên ở xã Yên Lãng này ai cũng biết cả.
Ông Hoàng Văn Chính, em trai liệt sĩ Hoàng Văn Tung kể: Bố mẹ tôi có tất cả 13 người con, nhưng thời buổi khi ấy khó khăn, đói kém quá nên mất đến 9 người từ nhỏ. Bố tôi cũng qua đời sớm nên anh Tung trở thành con cả, thay cả bố lo liệu mọi việc. Với các em, anh ấy rất nghiêm khắc dạy bảo và luôn lo cho gia đình. Mỗi lần được đơn vị cho nghỉ phép, anh Tung lại về phụ giúp mẹ việc đồng áng, sửa lại nếp nhà hay chặt thêm ít củi. Rồi dặn mẹ tối đến thì nấu cơm sớm rồi xuống hầm không Mỹ đánh bom. Hôm nghe tin anh mất, mẹ tôi sốc quá như người mất hồn, gào khóc cả tháng trời đến mức khản cổ không nói được gì nữa.
Với bà Thái Thị Vĩnh (sinh năm 1936, hiện ở tổ 4, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên) sự hy sinh của người chồng, liệt sĩ Nguyễn Thế Cường là mất mát không gì bù đắp được. “Hai vợ chồng cùng tham gia TNXP và quen nhau khi còn ở Tây Bắc. Năm 1972, ông ấy đang là Đội phó Đội 91, trực tiếp phụ trách Đại đội 915. Là người trách nhiệm với công việc, lại thuộc diện cao tuổi nhất ở đơn vị nên ông ấy cứ đi suốt lo cho anh em. Tôi ở nhà vừa làm công việc trong Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, vừa chăm lo cho 3 đứa trẻ. Biết tôi vất vả, nên chế độ có gì là chồng mang hết về cho gia đình, chẳng giữ lại cho mình gì cả. Với vợ, ông ấy là người rất bao dung, dù tôi có làm sai điều gì cũng không bao giờ trách mắng” - Bà Vĩnh bồi hồi kể. Trong sự kiện tại ga Lưu Xá hôm đó, ông Cường là người chỉ huy và đã đứng phía ngoài hầm che chắn cho đồng đội. Bom giặc khiến cơ thể ông không còn nguyên vẹn. Gạt những giọt nước mắt xúc động, bà Vĩnh nói: Trước hôm đó ông ấy có về, bế thằng út là Nguyễn Thái Sơn đứng ở trước cửa nhà bảo tôi, gia đình mình ở chỗ này yên ổn thì cứ cố ở đây mà nuôi con. Không ngờ đó lại là lời dặn dò cuối cùng trước lúc ra đi mãi mãi”.
Trong hồi tưởng của thân nhân gia đình, chúng tôi hình dung các anh, các chị liệt sĩ TNXP là những người giỏi giang, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm với gia đình. Ông Nguyễn Văn Đát, sinh năm 1940, ở xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), anh trai ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Là kể: Trong gia đình, Là thuộc diện xinh xắn nhất, lại rất hoạt bát, cấy cày và học hành đều giỏi. Trước khi tham gia TNXP, em đã thi đại học và sau có giấy báo trúng tuyển vào trường thể dục thể thao. Các phong trào thanh niên ở địa phương, có giao việc gì nó cũng làm nhiệt tình và trách nhiệm”. Cũng vì tinh thần trách nhiệm, nên dù vẫn trong thời gian được nghỉ ở nhà nhưng liệt sĩ Trần Thị Mai vẫn xuống đơn vị từ sớm. Em trai liệt sĩ, ông Vũ Đức Dậu, ở xóm Quyết Tiến, xã Yên Lãng (Đại Từ) bảo: Hôm chị ấy về là Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12). Ở nhà được một buổi tới chiều thì nhất quyết đòi xuống đơn vị. Ngày hôm sau chị ấy nhận nhiệm vụ đi bốc dỡ hàng hóa ở ga Lưu Xá và hy sinh.
Tuổi trẻ nhiệt huyết
Bà Trần Thị Chu, cựu Đại đội phó 915 nói với chúng tôi: Có thể hình dung đời sống vật chất còn nhiều khó khăn của TNXP ngày đó qua câu thơ anh chị em vẫn thường nói vui với nhau: “Trời trong veo, nước muối trong veo/em buông đôi đũa chèo trên bát cơm ngô”. Nghĩa là việc ăn uống khi ấy hết sức đơn giản. Đại đội 915 mới thành lập nên cũng không có trụ sở cố định mà phải ở nhờ các gia đình bên Đồng Hỷ. Thế nhưng mọi người lúc đó đều rất hăng hái với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Tuổi đa phần mới chỉ 18 nên ai cũng yêu đời. Về tính cách, tôi còn nhớ Bí thư Chi bộ, Đại đội trưởng 915 Triệu Văn Việt là người rất khiêm tốn; đồng chí Đội phó Nguyễn Thế Cường thuộc diện cao tuổi hơn cả và khá trầm.
Cựu TNXP Đào Văn Hộ, ở xóm Na Khâm, xã Phúc Lương (Đại Từ) kể: Trong đơn vị, tôi thân với Đại đội trưởng Triệu Văn Việt hơn cả. Anh em coi nhau như ruột thịt, có thời gian là ngồi tâm sự với nhau. Là đảng viên và trách nhiệm lãnh đạo đơn vị nên anh Việt luôn gương mẫu, khuyên bảo anh em giúp đỡ nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Dù trong sinh hoạt hay làm nhiệm vụ trên đường thì anh ấy đều đi đầu.
Trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ thay cho đồng đội là tinh thần chung của TNXP. Bà Đỗ Thị Hoàn, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) nói trong xúc động: “Cũng chính vì tình nguyện nhận nhiệm vụ mà anh Mai Như Ý đã hy sinh thay tôi. Anh là Trung đội trưởng rất tích cực và gương mẫu. Trước hôm Noel 1972, anh Ý từ trên nhà xuống sau đợt nghỉ phép để cưới vợ. Hành lý mang theo có 2 con gà và 15 bơ gạo nếp để đơn vị liên hoan. Thấy tôi mệt nên anh đã xung phong đi bốc dỡ hàng hóa thay ở ga Lưu Xá. Tôi ở lại cùng nhóm với Đại đội phó Tống Văn Minh làm nhiệm vụ sửa chữa đường đi Trại Cau. Hôm đó, anh và nhiều đồng đội đã không trở về”. Nói về những đồng đội trong đơn vị, bà Hoàn xúc động: Đại đội thành lập tháng 6-1972, mới cùng nhau được nửa năm nên tôi chưa quen được hết. Tôi thân hơn cả với các chị Phương, Mai, Thúy và Lý. Riêng chị Lương Thị Phương và Lương Thị Thúy ở gần đơn vị nên thường mời các bạn về nhà chơi và luộc sắn. Cả hai rất ngoan và tích cực, làm nhiệm vụ hay tham gia văn nghệ đều nhiệt tình. Có lần cả nhóm ngồi nói chuyện vui với nhau rằng, ước gì bây giờ mình có thật nhiều tiền để sang thành phố ăn một bữa kem thỏa thuê và chụp ảnh. Khi ấy kem rẻ lắm, mỗi que chỉ 5 xu đến một hào…
Trong suốt quá trình đi sưu tầm tư liệu về Đại đội 915, chúng tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt, nhiều câu chuyện cảm động của đồng đội và người thân các liệt sĩ. Nhưng trên tất cả, chúng tôi cảm nhận niềm tự hào về những người con anh dũng hy sinh, các anh, chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để góp phần giành độc lập, thống nhất cho dân tộc.