Nắm bắt, định hướng dư luận xã hội: Một nhiệm vụ đạt đa mục tiêu

09:18, 28/06/2018

Dư luận xã hội (DLXH) là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước những vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, liên quan đến lợi ích, mối quan tâm của các nhóm người trong xã hội. Đây là một mảng thông tin rất quan trọng trong cộng đồng, biểu hiện sự đa chiều về tư tưởng của các tầng lớp trong xã hội. Do vậy, công tác nắm bắt để định hướng DLXH là một nội dung trọng yếu trong công tác tư tưởng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp...

Nhiệm vụ của công tác DLXH là phải nắm bắt nhanh, kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các vấn đề, hiện tượng, sự kiện có tính thời sự, được nhiều người quan tâm để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ đến cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở thông tin, DLXH xảy ra trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền nắm được sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhanh, hiệu quả nhất. Do vậy, công tác nắm bắt, định hướng DLXH đã được Trung ương, Tỉnh ủy quan tâm từ nhiều năm nay. Đặc biệt, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Đề án số 17-ĐA/TU ngày 12-11-2014 về “Nâng cao chất lượng nắm bắt và định hướng DLXH trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2018”.

Từ khi có Đề án, cán bộ chuyên trách và đội ngũ làm công tác DLXH cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn để đáp ứng với yêu cầu công việc. Thực hiện Đề án này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các Đảng bộ trong tỉnh đã xây dựng được mạng lưới gồm 559 cộng tác viên dư luận xã hội đang công tác ở nhiều cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh, nhất là tại các vùng cần phải nắm thông tin, cập nhật thường xuyên, như: Đại học Thái Nguyên, Khu công nghiệp Yên Bình; dự án khai thác khoáng sản lớn tại huyện Đại Từ; vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở huyện...

Song song với việc xây dựng mạng lưới lưới cộng tác viên dư luận xã hội rộng khắp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo của các Đảng bộ trực thuộc tỉnh đều quan tâm tới công tác kiện toàn, trang bị kỹ năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. 4 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức Hội nghị định kỳ hàng quý, hàng tháng để định hướng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, trao đổi học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh (cộng tác viên dư luận xã hội đã được đi trao đổi nghiệp vụ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa và một số địa phương trong tỉnh). Tại các lớp tập huấn, chuyên gia của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã trang bị cho cán bộ chuyên trách của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo của các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội nhiều kiến thức bổ ích, như: Một số vấn đề chung về công tác nghiên cứu dư luận xã hội; Phương pháp nắm bắt và nghiên cứu dư luận xã hội; Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; Định hướng dư luận xã hội. Trong đó, tập trung vào các nội dung mới về nắm bắt, nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội; các kỹ năng phân tích, tổng hợp tình hình, ý kiến dư luận xã hội; cách nắm bắt, phân tích và xử lý những tình huống dư luận xã hội đưa ra, những tình huống nảy sinh trong thực tiễn xã hội hiện nay qua những ví dụ cụ thể đã xảy ra ở trong nước và các địa phương. Từ kiến thức, kỹ năng được trang bị, cán bộ chuyên trách, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đã áp dụng vào thực tiễn công việc, từ đó, tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền về công tác này. Trong 4 năm qua, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh phản ánh 4.795 lượt ý kiến; mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện phản ánh 15.196 ý kiến về các vấn đề, sự kiện mà dư luận xã hội quan tâm.

Đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: “Công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong những năm qua đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, ý thức cảnh giác trước những luồng thông tin không tốt để cán bộ, đảng viên, nhân dân đặc biệt là học sinh, sinh viên trên địa bàn Thái Nguyên phòng tránh. Công tác này cũng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa trong xã hội, trong cộng đồng dân cư và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi vậy, chúng tôi đánh giá cao và phải tiếp tục quan tâm và đầu tư thích đáng để nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội góp phần cho sự phát triển của địa phương thời gian tới”.

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng thường xuyên tổ chức các đợt lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân thông qua kênh điều tra dư luận xã hội bằng phiếu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội; an ninh - quốc phòng; thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là một kênh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đánh giá của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các lĩnh vực, vấn đề.

Đồng chí Trần Thị Kim Dung, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thái Nguyên cho biết: “Đội ngũ cộng tác dư luận xã hội đã nắm bắt thông tin, dư luận trên địa bàn và báo cáo rất kịp thời với Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Qua những thông tin của các cộng tác viên dư luận phản ánh về những vấn đề nóng, phức tạp, vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội tại địa phương, cấp ủy, chính quyền thành phố kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. Từ đó đã tạo sự đồng thuận, ổn định trên địa bàn, tạo được niềm tin với cán bộ, đảng viên, nhân dân”.

Còn bác Nguyễn Đức Trường Kháng (Câu lạc bộ Hưu trí trung cao của tỉnh) bày tỏ: “Tôi mong muốn trước mỗi thông tin cộng tác viên xã hội phản ánh cần được cấp có thẩm quyền tiếp thu, xử lý và phản hồi để chúng tôi thông báo, định hướng dư luận xã hội. Phản ánh dư luận xã hội thuận chiều hay trái chiều đều có giá trị đối với công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Sự lắng nghe và có giải pháp phù hợp với cả vấn đề tốt, vấn đề xấu sẽ giúp ích rất lớn trong việc giữ vững sự ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác dư luận xã hội rất cần thiết, nên có một chiến lược lâu dài để giúp sức cho cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành”.

Trong bối cảnh bùng phát thông tin như hiện nay thì việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là hết sức cần thiết. Nhất là đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới ban hành khi đi vào cuộc sống sẽ có tác động đa chiều. Do vậy, việc nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những mặt tích cực, cắt bỏ những chỗ hạn chế, bất cập để hoàn thiện cơ chế chính sách sẽ có giá trị rất lớn đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay.