Nguồn cảm hứng vô tận đối với văn nghệ sĩ, nhà báo

14:58, 10/06/2018

Với tấm lòng tôn kính vô hạn dành cho vị cha già của dân tộc, thời gian qua các văn nghệ sĩ, nhà báo trong tỉnh đã sáng tác nhiều tác phẩm chân thật, giàu cảm xúc để chuyển tải tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến với các tầng lớp nhân dân.  

Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Các cơ quan báo chí của tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng đã triển khai nghiêm túc, được các nhà báo, văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng. Từ thực tiễn cơ sở, bám sát phong trào, trên từng lĩnh vực cụ thể để phát hiện, giới thiệu những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020 ở cấp tỉnh. Sau 2 năm, đã có hàng nghìn bài báo và tác phẩm văn học nghệ thuật hưởng ứng, tham dự giải thưởng. Ban Tổ chức đã nhận được 111 tác phẩm xuất sắc tiêu biểu, được lựa chọn từ các cơ quan báo chí, Hội Văn học nghệ thuật, các đơn vị, địa phương. Ban Sơ khảo cấp tỉnh đã xét, chọn 35 tác phẩm xuất sắc đợt 1, năm 2018 để tổ chức trao giải.

Viết về Người là nguồn cảm hứng vô tận đối với các văn nghệ sĩ, nhà báo. Thông qua cuộc vận động đã có nhiều tác phẩm đạt giá trị cao về thông tin, nghệ thuật, có sức lay động mạnh đối với người đọc, người xem, mang lại hiệu ứng xã hội. Điển hình như loạt bài Những bông hoa ngát hương của núi rừng của nhóm tác giả Hoàng Cường - Thu Huyền (Báo Thái Nguyên) gồm 3 bài: Ba chàng trai thế hệ 4.0, Lập nghiệp trên vùng đất khó, Bác sĩ trẻ “giữ lửa” tiếng Then. Những tấm gương điển hình đề cập trong loạt bài ở môi trường sống khác nhau, đặc thù công việc khác nhau, nhưng có chung nhiệt huyết cống hiến cho gia đình, xã hội. Đó là ba chàng sinh viên của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã xuất sắc vượt qua 570 đối thủ để giành chiến thắng trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên "Start-up Student Ideas” năm 2016; đó là anh thợ kim hoàn Trần Quang Ích đã từ bỏ mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng để trở về quê hương lập nghiệp, làm giàu hay bác sĩ trẻ Ma Văn Ngọc đam mê tiếng hát Then, đã và đang truyền lửa đam mê cho biết bao người… Mỗi nhân vật đều được khắc họa với những hành động bình dị mà cao quý đã thực sự có sức lan tỏa tới cộng đồng.

Đề cập đến vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, tác phẩm: Những “thủ lĩnh” của đồng bào dân tộc thiểu số của tác giả Anh Thắng (Báo Văn nghệ Thái Nguyên) viết về 3 điển hình người có uy tín trong cộng đồng là ông Vy Tiến Thông, dân tộc Sán Chí, Trưởng xóm Khe Vàng, xã Phú Đô (Phú Lương); ông Triệu Tiến Quý, dân tộc Dao, xóm Đèo Bụt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) và ông Đỗ Quang Vinh, dân tộc Sán Dìu, xóm Chàm Hồng, xã An Khánh (Đại Từ) đã tạo được nhiều ấn tượng với độc giả bởi cách viết mộc mạc, chân thực. Trò chuyện cùng chúng tôi, tác giả Triệu Anh Thắng tâm sự: Khi tìm hiểu về nhân vật tôi ít ghi chép mà chủ yếu trò chuyện và quan sát. Khi tôi định viết về miền núi, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là các nhân vật. Nhân vật sống ở đâu, làm gì? Và thế là bài viết hiện lên cả một cộng đồng xung quanh nhân vật ấy. Trong bài viết tôi không thể hiện hết những gì mình biết về nhân vật mà chỉ chọn lọc một số chi tiết tiêu biểu, đó là chi tiết câu chuyện.

Còn đối với Đảng bộ xã La Bằng (Đại Từ) việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được gắn  với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chương trình này, xã đã làm tốt việc huy động sức dân để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân... Từ những câu chuyện mộc mạc do chính người dân kể lại, nhóm tác giả: Đạo diễn Đặng Tiến Sơn; viết lời bình Nguyễn Tố Việt Hương; quay phim Hoàng Hà, dựng phim Tiến Tùng (Phòng Phim và Tổ chức sự kiện, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên) đã xây dựng thành tập phim “Tư duy La Bằng”, nằm trong bộ phim 20 tập “Câu chuyện đổi mới nông thôn ở Thái Nguyên”.

Nhóm làm phim “Tư duy La Bằng” của nhóm tác giả do Đạo diễn Đặng Tiến Sơn, Trưởng phòng Phim và tổ chức sự kiện, Đài PT-TH Thái Nguyên chủ trì được khán giả đánh giá cao.

Đạo diễn Đặng Tiến Sơn chia sẻ: Vùng đất La Bằng giàu truyền thống cách mạng, là nơi ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Tập phim này, chúng tôi để người dân tự nói về quá trình xây dựng nông thôn mới và những cách làm sáng tạo của địa phương. Cách dẫn dắt câu chuyện mở đầu là sự trăn trở của người đứng đầu địa phương ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã. Từ nghị quyết đi vào cuộc sống, người dân được bàn bạc dân chủ và tự quyết định. Khi người dân đã hiểu xây dựng nông thôn mới không có gì cao xa, xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân và phục vụ lợi ích của nhân dân thì họ sẵn sàng tự nguyện tháo dỡ tài sản trên đất để hiến mở rộng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa. Đặc biệt, nhiều con em của địa phương đang công tác ở mọi miền Tổ quốc đã gửi tiền về quê ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi…

Có thể nói đề tài học tập và làm theo Bác là nguồn cảm hứng bất tận đối với các cây viết, các văn nghệ sĩ. Chúng tôi có dịp gặp Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy, Tổ trưởng Tổ Nghệ thuật, Khoa Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Khi nhắc đến những tác phẩm ông vẽ về Bác ông rất xúc động: Năm 2010 tôi vẽ bức tranh sơn dầu đầu tiên về Người với tên gọi “Cội nguồn”. Bức tranh mô tả lại cảnh Bác đang đọc tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi". Rồi đến bức “Vườn xuân” mô tả cảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Năm 2017, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về chủ đề 70 năm Bác Hồ và Trung ương Đảng về ATK, tôi cùng Họa sĩ Đỗ Hùng hành hương về ATK nơi Người đã từng sống, làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp để tìm tư liệu, cảm hứng sáng tác. Đứng dưới cây đa Khuôn Tát, tôi mường tượng ra bóng dáng Người hiện về lồng lộng. Nguồn cảm hứng đó đã được tôi chuyển tải qua tác phẩm “Ánh dương Khuôn Tát” là hình ảnh rất đời thường của Bác vui đùa cùng các cháu thiếu nhi dưới tán đa Khuôn Tát. Qua bức tranh toát lên tình yêu thương bao la của Bác đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tác phẩm đã đoạt giải B tại Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh “Đảng, Bác Hồ với Thái Nguyên” năm 2017.

Có thể khẳng định tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là mạch nguồn chân thật nhất, thiêng liêng nhất để cá tác giả sáng tạo nên tác phẩm có giá trị. Các tác phẩm không chỉ phục vụ đời sống tinh thần mà còn  cổ vũ, động viên mọi người nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống hôm nay.



  • Top mẫu đồng hồ seiko 5 xem ngay