Thông qua hai nghị quyết và ba dự án luật

07:32, 13/06/2018

Hôm qua, ngày 12-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu nghe các Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2019; sau đó, QH biểu quyết thông qua hai nghị quyết nói trên. QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý ba dự án Luật: Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật An ninh mạng (ANM), Luật Tố cáo (sửa đổi) và biểu quyết thông qua ba dự án luật này. Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng

Trong phiên làm việc buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật ANM. Các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Luật ANM, với 423 đại biểu tán thành, bằng 86,86% tổng số đại biểu. Luật ANM gồm bảy chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, chính sách của Nhà nước về ANM, đó là: Ưu tiên bảo vệ ANM trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại. Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ ANM và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ ANM; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ ANM. Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ ANM, xử lý các nguy cơ đe dọa ANM; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ ANM; phối hợp cơ quan chức năng trong bảo vệ ANM, đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về ANM... Cùng với đó, Luật ANM xác định nguyên tắc bảo vệ ANM là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa ANM. Triển khai hoạt động bảo vệ ANM đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe: Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 và dự thảo Nghị quyết nêu trên và biểu quyết thông qua Nghị quyết này, gồm ba điều và sáu phụ lục kèm theo, với 465 đại biểu tán thành, bằng 95,48% tổng số đại biểu.

Tiếp đó, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật gồm 10 chương, 118 điều, với 464 đại biểu tán thành, bằng 95,28% tổng số đại biểu.

Các đại biểu QH nghe: Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2019; dự thảo Nghị quyết này và đã biểu quyết thông qua Nghị quyết, với 449 đại biểu tán thành, bằng 92,20% tổng số đại biểu.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật, với 468 đại biểu tán thành, bằng 96,1% tổng số đại biểu. Luật Tố cáo (sửa đổi) gồm chín chương, 67 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Giao quyền tự chủ cho các trường đại học

Buổi chiều, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDÐH), phần lớn đại biểu nhất trí với đề xuất rà soát sửa đổi toàn diện, nhưng cần tập trung làm rõ thêm những vấn đề cốt lõi, căn bản để sớm đưa GDÐH đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Các đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Hoa Mai (Ðồng Tháp) lưu ý, dự thảo luật cần có tính khả thi cao, giải quyết được các bất cập của thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho GDÐH phát triển theo mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. GDÐH có thể xem là dịch vụ đặc biệt nhưng không thương mại hóa, phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở GDÐH, trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Thảo luận về tự chủ đại học, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng, đây là nội dung cốt lõi để chuẩn "đầu ra", cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và giải quyết "bài toán" việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo trước xã hội, cũng như năng lực tự chủ, phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ vẫn chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, cũng cần luật hóa các quy định bảo đảm cơ quan chủ quản các trường hạn chế can thiệp hành chính, chỉ tập trung hoạch định chiến lược, quy hoạch, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, kỷ luật, tăng cường quản lý theo chất lượng. Nhà nước vẫn đầu tư cho các cơ sở GDÐH, nhưng thay vì cấp phát thì chuyển sang giao nhiệm vụ và đấu thầu.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, cần thể chế hóa chủ trương của Ðảng về đẩy mạnh xã hội hóa GDÐH, tạo môi trường pháp lý phát triển bình đẳng giữa cơ sở GDÐH công lập với tư thục; bổ sung các chính sách phù hợp để phát triển cả về số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học tư thục. Trong đó, về quy hoạch mạng lưới GDÐH, cần cụ thể hóa nguyên tắc, nội dung cơ bản của quy hoạch, hướng đến sự phát triển của hệ thống trong quy hoạch mạng lưới, bao gồm cả trường đại học công lập và tư thục. Xác định rõ nội hàm, yêu cầu về số lượng, quy mô, chất lượng, tính hệ thống, nhu cầu phát triển và sự phân bố nguồn lực để phát triển bền vững GDÐH.

Ðại biểu Ðoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) và một số ý kiến tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở GDÐH được tự quyết định mức giá dịch vụ đào tạo. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo để làm căn cứ xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu. Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo, tránh cách tiếp cận thu học phí theo hướng thương mại trong giáo dục.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu ý kiến giải trình, làm rõ những nội dung được đại biểu QH quan tâm.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH cần gắn quy hoạch mạng lưới GDÐH với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển đất nước, thì mới khắc phục cơ bản tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp như hiện nay.

Ðại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).

 

Trong định hướng phát triển GDÐH, cần tăng số lượng và nâng cao chất lượng các trường đại học tư thục, giảm số lượng các trường công lập. Nhà nước chỉ nên giữ lại và đầu tư đủ mạnh vào những trường đại học công lập thật sự cần thiết, các trường công lập còn lại thì nên phát triển theo hình thức đối tác công - tư và tiến hành giải thể những trường công lập quá yếu kém hoặc không cần thiết để đẩy mạnh xã hội hóa GDÐH như chủ trương của Ðảng.

Ðại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Ðồng).