Chiều 30-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên. Tham gia Đoàn công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành; Bí thư các huyện, thành, thị ủy.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Vũ Hồng Bắc đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác tóm tắt những kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thái Nguyên sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Báo cáo nêu rõ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra 15 nhóm chỉ tiêu, trong đó có 19 chỉ tiêu thành phần. Đến nay, đã có 18/19 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt so với tiến độ theo Nghị quyết đề ra, trong đó có 12/19 chỉ tiêu vượt mang tính bứt phá. Riêng 1 chỉ tiêu dự kiến khó có khả năng hoàn thành do thay đổi về cơ chế, phương pháp tính.
Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2016, 2017 đạt 14% (cao nhất trong vùng và cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước); cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ. 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 9,85%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 68 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Môi trường đầu tư của tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch. Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 6.300 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký gần 80 nghìn tỷ đồng, trong đó có 130 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD. Công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, năm 2017 đạt trên 571 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7/63 tỉnh thành trong cả nước; giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt trên 23,5 tỷ USD, chiếm 11% giá trị xuất khẩu của cả nước. Thái Nguyên đang tích cực thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp công nghệ cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, không để phát sinh "điểm nóng", khiếu kiện kéo dài. Triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên địa bàn.
Về công tác xây dựng hệ thống chính trị: Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo đúng quy định điều lệ Đảng và chương trình kiểm tra, giám sát của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường đổi mới nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; coi trọng công tác tuyên truyền, nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thái Nguyên cũng gặp phải một số khó khăn: 70% dân số sống của tỉnh sống ở nông thôn, trình độ dân trí không đồng đều. Toàn tỉnh có 124/139 xã thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, trong đó có 36 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao (9%). Nguồn lực Trung ương hỗ trợ cho tỉnh còn chưa nhiều; kết cấu hạ tầng còn nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch...
Tỉnh Thái Nguyên kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung: Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, trong đó có tỉnh Thái Nguyên và ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho mục tiêu đã xác định trong Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh nhiệm vụ của hồ Núi Cốc theo hướng ưu tiên phát triển du lịch để hỗ trợ tỉnh xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc thành tuyến du lịch liên kết các tỉnh; đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 3, từ T.P Thái Nguyên đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, kết nối với Khu di tích Tân Trào, Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực..
Tại buổi làm việc, sau những gợi ý thảo luận của Thủ tướng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện các bộ, ngành Trung ương đã làm rõ thêm một số chỉ tiêu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như phân tích về những khó khăn, vướng mắc ở một số lĩnh vực mà hiện nay tỉnh gặp phải, nhất là về hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông… Đại diện các bộ, ngành đồng thuận cao với những đề xuất của Thái Nguyên và đề nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong những năm qua, đặc biệt là trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh. Đồng chí vui mừng trước sự đoàn kết của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của Đảng bộ tỉnh. Thủ tướng cho rằng, những kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đạt được chính là minh chứng rõ nét, sinh động nhất về tinh thần đoàn kết cũng như sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là: Tuy môi trường đầu tư đã ngày càng được cải thiện nhưng một số chỉ số thành phần trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp của tỉnh vẫn còn đứng ở vị trí tốp dưới. Điều này sẽ là rào cản trong phát triển đối với khối doanh nghiệp dân doanh. Ngoài ra, vẫn còn có ý kiến cho rằng doanh nghiệp FDI hiện được tỉnh quan tâm hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, nhất là nông, lâm nghiệp còn lạc hậu, chưa có sản phẩm đầu tầu, nằm trong tốp thương hiệu quốc gia; chỉ tiêu xuất khẩu địa phương còn thấp; tiềm năng du lịch lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng; còn nhiều dự án được cấp phép lâu năm nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm; số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn còn nhiều; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đại học Thái Nguyên là đại học vùng nhưng chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội…
Trước thực trạng này, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần tập trung nhìn nhận một cách nghiêm túc để có tầm nhìn lớn hơn, sâu rộng hơn trong phát triển, từ đó đạt được tốc độ cao hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả nước. Thủ tướng cho rằng Thái Nguyên phải trở thành địa phương mẫu mực về phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn hàng đầu ở phía Bắc và cả nước. Phấn đấu từ năm 2019 trở đi, Thái Nguyên sẽ tự cân đối được thu - chi. Muốn vậy, tỉnh phải đa dạng hóa nền kinh tế với các trụ cột, trước hết là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ - nông nghiệp sạch. Sản phẩm từ cây chè của tỉnh cũng phải được phát triển theo hướng này, để gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, để cả thế giới biết đến và sử dụng sản phẩm trà Thái Nguyên.
Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh cần quan tâm hơn đến đời sống của công nhân các khu, cụm công nghiệp về giáo dục, y tế, dịch vụ, thiết chế công đoàn; ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động có đất bị thu hồi, lao động là người địa phương; tiếp tục quan tâm cải cách thủ tục hành chính, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng cho rằng đó đều là những đề nghị xác đáng, cần thiết để tỉnh Thái Nguyên phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới. Vì thế, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành chức năng phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét và có những đề xuất cụ thể với Thủ tướng trong thời gian sớm nhất…
Ngay khi kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Viết Đức, sinh năm 1936, ở tổ 3, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên. Tại đây, Thủ tướng đã ân cần hỏi thăm sức khỏe và đời sống của ông Đức và gia đình. Đồng thời mong muốn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Viết Đức sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, có những đóng góp cho địa phương. Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa đến gia đình ông Đức cũng như các gia đình có công với cách mạng khác trên địa bàn.