Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội cả nước 6 tháng đầu năm

19:20, 02/07/2018

Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018; nghe và thảo luận một số nội dung khác của Chính phủ.

Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các sở, ban, ngành của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, có nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực, trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 13%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.

Theo dự báo, tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Với 18 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ gợi ý thảo luận, như: Sức ép của lạm phát đối với nền kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, các vấn gây bức xúc xã hội trong thời gian qua…, đại diện lãnh đạo các địa phương, các thành viên Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề, đồng thời để xuất nhiều kiến nghị, giải pháp.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các ý kiến tham gia thảo luận tại Hội nghị. Đồng thời cũng nhấn mạnh: Mặc dù 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước đạt cao nhưng để hoàn thành kế hoạch cả năm, thì trong quý III và IV/2018, từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục bổ sung động năng tăng trưởng mới. Chính phủ đã và sẽ có giải pháp để không lặp lại chu kỳ khủng hoảng 10 năm, nhưng các bộ, ngành địa phương cũng cần phải tích cực triển khai các giải pháp để đối phó với tình trạng này, nhất là đối với một số thị trường, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bất động sản ở các thành phố lớn, thị trường tài chính. Thủ tướng đề cập đến 4 nguyên nhân làm trì trệ nền kinh tế của đất nước, đó là: chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường; kỷ cương phép nước được thực hiện chưa nghiêm túc; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra; bệnh quan liêu xa dân vẫn tồn tại. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, không dung túng cho cán bộ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong tốp 4 các nước Asean. Trong đó, Thái Nguyên được Thủ tướng khen ngợi có sự chuyển biến tích cực. Trước tình trạng mất an ninh trật tự thời gian qua ở một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, cùng với đó chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với các luận điệu phản động, xuyên tạc; phải xây dựng mỗi người dân trở thành công dân toàn cầu nhưng phải mang kỷ luật, văn hóa của người Việt….