Từ chủ trương đúng, nhiều chi bộ sinh hoạt ghép được tách thành công, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng viên, tạo được niềm tin với nhân dân. Tuy nhiên, con số chi bộ sinh hoạt ghép giảm được thời gian vừa qua chưa cao, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đặt ra cần giải quyết thấu đáo…
Quyết tâm vượt qua những rào cản
Xóa "ghép" có dễ?
Tìm hiểu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy một thực tế: Xuất phát từ nhận thức, trách nhiệm với gia đình với nỗi lo kinh tế thường ngày nên nhiều người chưa có động cơ thực sự phấn đấu vào Đảng. Ở khu vực nông thôn, phần lớn thanh niên phải đi làm ăn xa dẫn đến thiếu “nguồn”. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác tạo nguồn, chưa xây dựng và phát huy được vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng. Có những chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên, số lượng đảng viên tại chỗ ít, chủ yếu là đảng viên cao tuổi hoặc diện miễn sinh hoạt. Nhiều trưởng thôn, xóm chưa phải là đảng viên nên việc nắm bắt công tác đảng để lãnh đạo, chỉ đạo còn hạn chế, hoạt động của đoàn thể trong thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương còn mờ nhạt nên chưa phát hiện được quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng.
Bà Dương Thị Liên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh (Phú Lương): Đảng bộ xã Tức Tranh đã hoàn thành chia tách chi bộ ghép từ năm 2016. Từ đó đến nay, chúng tôi chú trọng việc củng cố với những chi bộ mới thành lập. Một trong những giải pháp trọng tâm là đưa cán bộ, đảng viên có năng lực về sinh hoạt tại các chi bộ. Họ không chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên mà còn giúp xây dựng, triển khai tốt hơn các nghị quyết tại cơ sở. |
Ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên): Phúc Tân hiện có 11 xóm, tất cả đều sinh hoạt ghép tại 5 chi bộ nông thôn. Xét về số lượng đảng viên, đến nay các chi bộ này đều đủ điều kiện để tiến hành chia tách. Tuy nhiên, xã cũng đang thực hiện đề án sáp nhập các xóm không đủ điều kiện về diện tích và số hộ. Do vậy, chúng tôi sẽ rà soát một cách kỹ lưỡng vì một số chi bộ có thể “xóa ghép” bằng cách sáp nhập xóm. |
Bên cạnh đó, cùng với thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU với nội dung trọng tâm là kết nạp đảng viên để xóa tình trạng xóm không có đảng viên và thu hẹp diện chi bộ sinh hoạt ghép, tỉnh ta cũng triển khai Đề án số 09-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó có việc sáp nhập các thôn, xóm, tổ dân phố không đạt tiêu chí về quy mô dân số, diện tích. Điều này khiến nhiều cơ sở băn khoăn vì chi bộ ghép mới được chia tách có thể gộp lại do sáp nhập xóm.
Ông Trịnh Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đại Từ cho biết: Theo đề án sáp nhập các xóm, tổ dân phố có quy mô diện tích và số hộ ít, trong năm 2018, Đại Từ sẽ sáp nhập 31 xóm không đủ điều kiện. Rà soát chúng tôi nhận thấy, chỉ có chi bộ ghép xóm 1-2, xã Phục Linh là không thuộc diện sáp nhập đợt này. Do vậy, Huyện ủy chủ trương thực hiện việc sáp nhập trước, khi đó 5 chi bộ ghép (ở 2 xã Quân Chu và Yên Lãng) sẽ được “xóa ghép” theo hình thức sáp nhập xóm. Mục tiêu đến năm 2020 để xóa chi bộ ghép còn lại là hoàn toàn khả thi.
Mặc dù các địa phương rất quyết tâm trong việc chia tách, giảm chi bộ ghép, song có nhiều vấn đề từ thực tiễn gây khó khăn cho việc chia tách chi bộ. Đơn cử như Chi bộ Vân Trai, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) hiện có tới 93 đảng viên, ghép của 4 xóm: Tân Thịnh, Tiến Bộ, Thanh Vân và Hồng Vân. Ông Ngô Văn Trường, Bí thư Chi bộ cho biết: Hiện Chi bộ chia thành 4 tổ đảng phụ trách 4 xóm. 4 xóm đều nằm trong 1 thôn. Từ trước đến nay, bà con dân làng sinh hoạt cộng đồng quần cư, mọi hoạt động trong đời sống tâm linh, sản xuất nông nghiệp đều chung nhau. Chưa kể trong thôn có 2 xóm gần như trên 90% cùng một dòng họ (xóm Tiến Bộ có dòng họ Ngô Thượng, xóm Thanh Vân có dòng họ Trần). Cách đây 3 năm chúng tôi từng bàn việc chia tách chi bộ cho tiện sinh hoạt, song không thực hiện được.
T.X Phổ Yên là địa phương có nhiều chi bộ sinh hoạt ghép nhất tỉnh với 192 xóm, tổ dân phố sinh hoạt ghép với 74 chi bộ. Ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên cho biết thêm: Các chi bộ sinh hoạt ghép trên địa bàn có hai dạng. Thứ nhất là một số trước đây hoạt động theo mô hình thôn, sau tách ra các xóm nhưng nhiều hoạt động như: hội làng, điều tiết nước sản xuất và sinh hoạt tập thể vẫn làm chung nên bản thân chi bộ không muốn chia ra từng xóm. Dạng thứ hai là ghép nhiều xóm do không đủ đảng viên. Trong quá trình phát triển, có xóm đã đủ điều kiện về số lượng nhưng chiếm đa số lại là thành viên trong một gia đình hoặc dòng họ nếu chia tách sẽ thành chi bộ anh em, dòng họ, dẫn đến việc tổ chức các hoạt động thiếu khách quan. Mặt khác, một số chi bộ có nhu cầu tách, song lại không được sự đồng thuận cao của đảng viên. Quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ Thị xã là tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ; nếu đủ điều kiện sẽ cho tách.
Không chỉ đạo quyết liệt khó hoàn thành mục tiêu
Qua trao đổi, đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của một số địa phương đều cho rằng, việc xóa chi bộ sinh hoạt ghép là việc làm “dễ ít, khó nhiều”. Tuy nhiên, nếu có sự nỗ lực, tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt của đảng ủy các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn với những giải pháp đồng bộ, việc xóa chi bộ sinh hoạt ghép không phải là việc không làm được.
Đánh giá về vấn đề giảm chi bộ sinh hoạt ghép ở thôn, tổ dân phố, ông Nguyễn Đức Lực, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Đề án số 06-ĐA/TU được ban hành chính là cụ thể hóa Nghị quyết số 22, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên”. Việc giảm chi bộ sinh hoạt ghép phải gắn với mục tiêu là nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Để đạt được mục tiêu mà Đề án đề ra, ngày 11/5/2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có Công văn số 1263-CV/BTCTU yêu cầu ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy đề xuất cụ thể chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến cuối nhiệm kỳ giảm chi bộ sinh hoạt ghép; xây dựng kế hoạch cụ thể tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là những nơi có ít đảng viên, các thôn, bản vùng sâu vùng xa, các xóm tổ dân phố nơi chưa có chi bộ...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay đã có 3 địa phương là Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Lương đề nghị Tỉnh ủy cho chủ trương sớm sáp nhập các xóm không đủ điều kiện (không đạt tiêu chí về quy mô dân số, diện tích theo quy định) thực hiện trong nhiệm kỳ 2016-2020 đối với những nơi có điều kiện. Nếu các địa phương sớm tiến hành sáp nhập các thôn, xóm, tổ dân phố thì việc giảm chi bộ sinh hoạt ghép trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp “số học”.
Để giảm chi bộ sinh hoạt ghép bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương; trong đó quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, tập trung vào khai thác thế mạnh của mỗi địa phương. Các tổ chức cơ sở đảng chú trọng phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên; lấy kết quả công tác phát triển đảng viên làm một trong những chỉ tiêu phấn đấu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo hướng coi trọng chất lượng đảng viên, tránh chạy theo số lượng. Tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố và các đoàn thể; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Từ đó nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân, đảm bảo cuộc sống ấm no, ổn định, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.