Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 được tổ chức ngày 1-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thái Nguyên điện tử lược ghi bài phát biểu này.
Tôi xin chúc mừng tỉnh Thái Nguyên đã thành công về số lượng, chất lượng các dự án được ký kết trong Hội nghị Xúc tiến long trọng ngày hôm nay.
Qua phóng sự giới thiệu và phát biểu của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng các vị đại biểu, chúng ta đã thấy rõ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong quá khứ, Thái Nguyên từng là biểu tượng phát triển công nghiệp nặng của Việt Nam. Tiếp nối truyền thống đó, Thái Nguyên chúng ta đã, đang và tiếp tục chuyển đổi, khai thác hết các tiềm năng và cơ hội để phát triển vượt bậc cả về tốc độ, quy mô và chất lượng.
Trong những năm qua, Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội hết sức ấn tượng. Và cũng chưa bao giờ Thái Nguyên đứng trước một cơ hội chuyển mình về mô hình tăng trưởng lớn như lúc này. Tỉnh đã có 130 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài đến 7,3 tỷ USD. Những tập đoàn lớn đa quốc gia, và đặc biết là số doanh nghiệp trong tỉnh đã phát triển không ngừng. Điều đó thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm gần đây rất cao, từ 13-14%; thu nhập bình quân đầu người tăng trên 30%; thu ngân sách tăng trên 1,7 lần so với năm ngoái. Tổng đầu tư xã hội của tỉnh nhà tăng xấp xỉ mục tiêu đặt ra cho cả nhiệm kỳ. Cùng với tăng trưởng, chúng ta đã cố gắng giữ gìn môi trường, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Với sự quan tâm của Trung ương và địa phương, Thái Nguyên đã hình thành được hệ thống giao thông, hạ tầng khá đồng bộ, kết nối được với hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Điểm nổi bật là Thái Nguyên đã trở thành trung tâm đào tạo lớn thứ ba của cả nước, chỉ sau Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh.
Một trong những nguyên nhân của thành công trên là môi trường đầu tư của Thái Nguyên đã có nhiều tiến bộ; là một trong ba tỉnh của Việt Nam có chỉ số hài lòng người dân tốt. Tôi có một dự báo rằng Thái Nguyên có thể trở thành một cực tăng trưởng mới của miền Bắc và cả nước trên cơ sở tiềm năng, lợi thế trong thời cơ mới. Bởi trước hết Thái Nguyên có ưu thế về vị trí địa lý, nằm trong vùng chiến lược Thủ đô, hạ tầng thuận lợi, nền kinh tế phát triển năng động. Đặc biệt, Thái Nguyên đang đi đầu trong việc hình thành cụm công nghiệp điện tử vươn ra thị trường toàn cầu mà Samsung là đơn vị đóng vai trò chủ đạo. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Về nông nghiệp, Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, tạo lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó chè Thái là sản phẩm nổi tiếng từ bao đời nay. Về du lịch, Thái Nguyên được mệnh danh là mảnh đất của lịch sử và danh thắng, hòa quyện vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Tất cả tiềm năng và dự báo sẽ chỉ là những giấc mơ nếu Thái Nguyên không có tầm nhìn đúng và giải pháp hiệu quả. Do vậy, tôi đề nghị tỉnh nên xác định cho mình một tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng trong phát triển và cân nhắc 4 định hướng sau:
Thứ nhất, Thái Nguyên cần trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ và sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và của đất nước trong mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh.
Thứ hai, tận dụng phát huy vai trò động lực, đầu tàu của Samsung để tạo ra lan tỏa tích cực thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào mảng sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, phải đa dạng hóa nền kinh tế với ba trụ cột là phát triển công nghiệp công nghệ cao với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan; du lich dịch vụ, trong đó phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dịch vụ y tế từng bước trở thành ngành quan trọng của địa phương và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.
Thứ tư, Thái Nguyên cần mẫu mực trong phát triển bền vững cả kinh tế - xã hội và môi trường, quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chính quyền thân thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông thông suốt, tích hợp, tiện lợi; môi trường sống trong lành, an toàn, trở thành nơi đủ hấp dẫn để nhà đầu tư định cư và làm ăn lâu dài.
Để làm được điều này, tôi đưa ra đối với Thái Nguyên 9 giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, bền vững, có độ mở cao, kết nối với các tỉnh và quốc tế. Ba yếu tố quan trọng nhất ở đây là áp dụng công nghệ thông tin và tuyền thông, đặt chất lượng cuộc sống của người dân làm trọng tâm, tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người.
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò đòn bẩy của Samsung đối với kinh tế - xã hội ở địa phương. Thái Nguyên cần phân tích xem năng lực cạnh tranh tổng thể của tỉnh có được chuyển hóa nhờ sự hiện diện của Samsung hay không; năng lực hấp thụ công nghệ của người lao động, gia tăng chất lượng cuộc sống và khả năng lan tỏa của tập đoàn này đến các doanh nghiệp địa phương.
Ba là, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Một tinh thần lớn ở Việt Nam nói chung, trong đó có Thái Nguyên là hãy giải phóng sức sản xuất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho mọi doanh nghiệp và người dân là phương hướng rất quan trọng của Chính phủ.
Bốn là, Thái Nguyên cần xây dựng chính quyền đối thoại, năng động, hiệu quả ở mọi cấp, mọi ngành. Khảo sát cho thấy, có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi ở cấp sở, cấp ngành. Do vậy, cần phải có sự chuyển biến thật sự từ cơ sở, từ chính quyền các cấp, điều này rất quan trọng trong việc phát triển bền vững.
Năm là, thúc đẩy quá trình đô thị hóa đồng bộ, chất lượng với quy hoạch không gian đô thị có tầm nhìn xa, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, coi đô thị hóa là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Thái Nguyên.
Sáu là, đẩy mạnh khai thác du lịch, đặc biệt là liên kết phát triển du lịch hồ Núi Cốc với Đông dãy núi Tam Đảo và các di tích lịch sử văn hóa. Du lịch Thái nguyên mới chiếm 0,36% điểm GDP trong cơ cấu kinh tế. Kết quả này còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng rất lớn của tỉnh.
Bảy là, tuy giá trị ngành Nông nghiệp không cao nhưng nông dân vẫn chiếm tỷ lệ cao ở Thái Nguyên, đây là yếu tố cần được quan tâm. Chính vì vậy, bên cạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là nhiệm vụ rất quan trọng.
Tám là, Thái Nguyên có nhiều trường đại học, đứng thứ ba cả nước về số lượng sinh viên nhưng chất lượng đào tạo của các trường đại học, trung tâm dạy nghề, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp là vấn đề đặt ra đối với Đại học Thái Nguyên. Cần đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên sâu, các lĩnh vực tỉnh tập trung đầu tư như công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch…
Chín là, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm để mọi người dân đều được hưởng thành quả của phát triển, được đón nhận cơ hội và không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đồng bào vùng cao.
Tôi muốn nói, không có một kế hoạch chiến lược nào thành công nếu thiếu đi khát vọng và nỗ lực hành động của lãnh đạo các cấp và doanh nghiệp. Chính vì vậy, địa phương cần rà soát lại những chỉ đạo, công việc có liên quan để cải thiện, phấn đấu, có chính sách phát triển đồng bộ. Cuối cùng, tôi xin chúc mừng sự thành công của "Thủ đô kháng chiến" ngày hôm nay, một hội nghị xúc tiến đầu tư chất lượng, có hiệu quả và sớm được thực thi trong thời gian tới.