Sáng nay, tại Hà Nội, Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, đặc biệt trong công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%.
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành, các đối tác phát triển, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp...
Theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014, Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Qua hệ thống thông tin tích hợp này, cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.
Còn Cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường mà trong đó các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và tích hợp với nhau.
Các chuyên gia, doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị đều đánh giá cao kết quả thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN 4 năm qua. Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất sát thực và cho biết, một Nghị định của Chính phủ về vấn đề này đã được lấy ý kiến rộng rãi cùng một Chương trình hành động của Chính phủ sẽ được ban hành sắp tới. Đây là cơ sở quan trọng để yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, khắc phục các yếu kém hiện nay. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến, trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động trong tháng 8/2018 và trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng.
"Tôi đề nghị với các cơ quan của Việt Nam, trong Nghị định cũng như Chương trình hành động của Chính phủ, phải mang một sứ mệnh đề xuất những cải cách mang tính đột phá sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn; đặc biệt công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ tồn tại này, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế và khu vực. Đây chính là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tất nhiên phải nói vế thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nói chung nhưng phải kiểm soát gian lận thương mại, buôn lậu và bảo vệ sức khỏe người dân và xã hội. Cho nên không thể thiếu một chế tài quan trọng là xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận thương mại"-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, với tư cách là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (còn gọi là Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899) đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với việc đánh giá cao nỗ lực của các bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Thủ tướng nêu rõ, những bộ, ngành nào không được biểu dương hôm nay cũng có nghĩa là bộ, ngành đó còn gây phiền hà cho sản xuất, kinh doanh, chưa thực hiện tốt chủ trương mà Chính phủ giao.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trụ cột trong cải cách hành chính, tập trung khắc phục các bất cập mà Hội nghị nêu ra. Trong đó, phải nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được nêu tại các Nghị quyết 01 và 19 của Chính phủ.
Trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa.
"Vấn đề kiểm tra chuyên ngành cần làm rõ định nghĩa, biện pháp công khai, minh bạch, ấn định thời gian thông quan công khai. Cho nên vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện phải rất rõ ràng. Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15% nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% thuộc danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn. Cho nên tiêu chí, phương pháp kiểm tra rất trong trọng, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù"-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết để giải phóng sức sản xuất.
Chính thức triển khai từ tháng 11 năm 2014, đến nay, đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, đạt khoảng 20% số thủ tục cần thiết.
Bên cạnh việc triển khai tại các cảng biển quốc tế, từ cuối năm ngoái, Cơ chế một cửa quốc gia đã được triển khai tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tính đến giữa tháng 7 năm nay, đã có 1.340.000 hồ sơ của 22.800 hồ sơ của doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên cả nước.
Bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam chính thức trao đổi thông tin giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Kết quả là đến giữa tháng 7 năm nay, tổng số C/O Việt Nam gửi nhận với 04 nước nêu trên là hơn 48 nghìn C/O.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm ngoái, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp tại cửa khẩu đã giảm, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.
Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới./.