Trách nhiệm, thẳng thắn và tâm huyết

21:13, 12/07/2018

Trong ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XIII, các đại biểu (ĐB) đã tiến hành thảo luận tại tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, các ĐB đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Trong đó, vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trong thời gian tới và những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số nội dung được các ĐB tập trung thảo luận.

Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Về cơ bản, các ĐB đồng tình, nhất trí cao với nội dung báo cáo, đồng thời đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, cùng sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh 6 tháng đầu năm 2018. Bên cạnh đó, một số ĐB cũng đề nghị bổ sung thêm giải pháp để thực hiện các mục tiêu cũng như khắc phục một số tồn tại, khó khăn trong thời gian tới. Theo ĐB Đoàn Thị Hảo (Tổ T.P Thái Nguyên): UBND tỉnh cần bổ sung tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh vào nhiệm vụ công tác. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các giải pháp để triển khai 50 dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị. Còn ĐB Dương Xuân Hùng (Tổ T.P Sông Công) cho rằng: Tỉnh cần đẩy mạnh thu hút các dự án vào các khu, cụm công nghiệp. Qua đó cũng giúp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Còn theo ĐB Dương Văn Lượng (Tổ Phú Bình) đề nghị: Tỉnh cần xem xét đánh giá kết quả thực hiện các đề án đã thông qua vì hiện nay việc bố trí vốn, giải ngân để thực hiện một số đề án đạt thấp và tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra các dự án đầu tư ngoài ngân sách. ĐB Lê Văn Tâm (Tổ T.X Phổ Yên) nhấn mạnh: Các giải pháp cho ngành Nông nghiệp hiện còn mờ nhạt, nhất là chưa có đánh giá sâu về tác động của biến đổi khí hậu với nông nghiệp của tỉnh; chính sách hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp chưa thỏa đáng; chưa có đề án phát triển cây chè đồng bộ và bền vững. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến các nội dung này. ĐB Nguyễn Thị Mai (Tổ Phú Lương) phản ánh: Một số nội dung đã được đề cập từ kỳ họp trước nhưng đến nay, kết quả triển khai vẫn chậm như giải ngân nguồn vốn Chương trình 135; xây dựng nông thôn mới… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần sớm có giải pháp khắc phục.

Quan tâm nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân

ĐB Nguyễn Văn Đồng (Tổ T.P Thái Nguyên) và một số ĐB khác đề cập: Hiện nay, còn một tỷ lệ lớn người dân trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, tỉnh cần bổ sung mục tiêu tăng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Một số ĐB T.P Thái Nguyên dẫn chứng: Ngay tại T.P Thái Nguyên, hiện mới có 13/32 xã, phường có 100% người dân được sử dụng nước sạch của Công ty CP nước sạch Thái Nguyên. Tính chung toàn thành phố, con số này là 79,3%. Số hộ dân còn lại, rất muốn được sử dụng nước sạch, song hạ tầng để đáp ứng của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên còn khó khăn. Cùng với đó, chất lượng nguồn nước của Công ty này có lúc chưa đảm bảo. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của Nhà máy nước Yên Bình (thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình, KCN Yên Bình, T.X Phổ Yên) lại đang dư thừa. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cho kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với nguồn nước của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên; đồng thời có chủ trương điều chỉnh thỏa thuận cung cấp dịch vụ nước sạch với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình để Nhà máy nước Yên Bình có thể mở rộng quy mô, phạm vi cung cấp nước cho T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên…

Làm rõ thêm nội dung này, ĐB Nguyễn Khắc Lâm (Tổ T.P Sông Công) cho biết: Qua khảo sát mới đây của Thường trực HĐND tỉnh, hiện công suất hoạt động của Nhà máy nước Yên Bình đạt 120 nghìn m3/ngày đêm, trong khi mới sử dụng hết 55 nghìn m3/ngày đêm. Như vậy, lượng nước có thể bán cho các hộ dân hiện còn rất lớn, đó là chưa kể thời gian tới, Nhà máy này dự kiến còn nâng công suất lên 150 nghìn m3/ngày, đêm. Trong khi đó, Nhà máy còn cam kết lắp đặt đường ống đến tận hộ và giá bán cũng chỉ bằng Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên. Vậy tại sao tỉnh lại không tính toán, điều chỉnh để Nhà máy này được phép bán nước sạch cho các hộ dân có nhu cầu? Một số ĐB còn đặt vấn đề: Hiện giá bán nước sạch trên địa bàn tỉnh đang cao hơn so với một số tỉnh lân cận, nhưng Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên lại liên tục báo lỗ? Thực tế này cần được làm rõ từ các cơ quan chức năng của tỉnh.

Cũng về vấn đề này, một số ĐB có ý kiến: Việc quy hoạch các khu tái định cư cho người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở cao chưa đồng bộ, trong đó có việc thiếu nước sạch. Đơn cử như Khu tái định cư của xã Linh Thông (Định Hóa) đã cơ bản hoàn thành các hạng mục nhưng vì thiếu nguồn cấp nước nên 32 hộ dân chưa thể chuyển đến; hay người dân khu tái định cư Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) nhiều năm nay không có nước sạch, khiến đời sống hết sức khó khăn. ĐB Lưu Đình Đông (Tổ T.X Phổ Yên) nêu thực trạng: Chất lượng các dự án đầu tư ở vùng nông thôn, miền núi nhất là công trình nước sạch không đảm bảo. Đây là vấn đề đã được cử tri kiến nghị nhiều lần. Đề nghị tỉnh có phương án quyết liệt hơn nữa.

Chú trọng nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

Theo ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên) và một số ĐB khác: Khảo sát thực tế cho thấy, công tác cải cách thủ tục hành chính có nơi thực hiện chưa tốt. Có thủ tục sau 8-9 tháng, thậm chí cả năm mới được giải quyết. Nhiều thủ tục phải bổ sung nhiều lần, làm mất thời gian, công sức đi lại của người dân, doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng… Còn theo ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công): Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh giảm tới 8 bậc so với năm 2016, nhưng chỉ số hài lòng của người dân lại được cải thiện đáng kể, vươn lên đứng thứ 3 cả nước. Thực tế này cho thấy sự khác biệt trong đánh giá sự hài lòng giữa doanh nghiệp với người dân, đối với các thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước. Vì thế, UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên tất cả các lĩnh vực. ĐB Trần Văn Ngọc (Tổ Phú Bình) thì đề nghị: Một số thủ tục hành chính có thể thực hiện tại cấp xã, nhưng hiện nay người dân vẫn phải đến UBND cấp huyện để giải quyết. Tỉnh cần nghiên cứu phân quyền cho cấp xã để người dân thuận tiện trong giao dịch.

Cần cơ chế đặc thù cho các xã được bổ sung "về đích" nông thôn mới

ĐB Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Tổ Định Hóa) cho rằng: 11 xã được tỉnh chọn bổ sung "về đích" nông thôn mới năm 2018 hiện còn thiếu nhiều tiêu chí, nhất là về môi trường, cơ sở vật chất văn hóa và tỷ lệ hộ nghèo. Trong khi đó, các xã này đến nay lại chưa nhận được kế hoạch phân bổ vốn, nguồn hỗ trợ xi măng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiêu chí. Về nội dung này, ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Tổ Phú Lương) đề nghị: Tỉnh cần có cơ chế đặc thù, giải pháp và kế hoạch thật cụ thể mới có thể đạt mục tiêu đề ra vì chỉ còn chưa đầy 6 tháng là hết năm 2018.

Về các nội dung khác

ĐB Nguyễn Hoàng Mác (Tổ T.P Thái Nguyên) nêu: Hiện toàn tỉnh còn 20 hợp tác xã điện chưa được bàn giao về cho ngành Điện quản lý. Đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương và Điện lực Thái Nguyên sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm nội dung này. Về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, ĐB Đỗ Đức Công (Tổ T.P Thái Nguyên) và một số đại biểu khác cho rằng: Thời gian qua, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, thực hiện khá tốt. Song vẫn còn một số việc thuộc thẩm quyền giải quyết tại cơ sở nhưng lại chuyển lên tỉnh, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của tỉnh. Vì thế, cấp ủy chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến nội dung này. UBND tỉnh cũng cần rà soát lại những ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm và giao thời hạn cụ thể, có kiểm tra đối với những sở, ngành, đơn vị được giao giải quyết.

BĐ Nguyễn Thị Hà (Tổ Đồng Hỷ) đề nghị: Tỉnh sớm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc đo đạc lại phần đất của các nông, lâm trường, giao về cho các địa phương quản lý, cấp quyền sử dụng đất cho người dân khai thác, sử dụng hiệu quả.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, theo ĐB Vi Thị Chung (Tổ Đại Từ) và một số đại biểu khác: Tỉnh cần làm rõ hiệu quả và có báo cáo kết quả hoạt động của Hệ thống máy kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp, đã được đầu tư 16 tỷ đồng từ năm 2017. ĐB Lê Thanh Tuyết (Tổ T.X Phổ Yên) và một số ĐB khác cho rằng: Tỉnh cần quan tâm, quyết liệt hơn trong xử lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã có kết luận sai phạm sau kiểm tra; đồng thời cần sớm giải quyết dứt điểm đối với các dự án chậm tiến độ để tạo điều kiện triển khai các dự án khả thi khác, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh; có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng quá tải, nhất là bậc học mầm non ngày càng phổ biến ở tất cả các địa phương.