“Thái Nguyên - Một phần máu thịt tôi”

21:21, 23/08/2018

Suốt cuộc đời, cả khi đã rời nhiệm sở, Cụ Vũ Ngọc Linh, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (nay là hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn), vẫn đau đáu lo toan, hiến kế cho các thế hệ kế cận về công tác Đảng, công tác cán bộ. Cụ luôn băn khoăn: “Mọi việc hợp lòng dân thì dễ, nhưng quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên có thực sự gương mẫu hay không, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh…”. Mới đó mà đã âm - dương cách biệt, Cụ về với thế giới người hiền ở tuổi 98.

Chiều 22-8-2018 (tức ngày 12 tháng 7 âm lịch), Cụ trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Dù đã có chuẩn bị trước về tâm lý, nhưng chúng tôi, những người con của vùng Thủ đô gió ngàn năm xưa, nơi Cụ Vũ Ngọc Linh (tên khai sinh là Nguyễn Văn Am) từng ở và làm việc, cống hiến, đều không cầm được nước mắt vì nuối tiếc một con người, một nhân cách Cộng sản, một tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống và tác phong làm việc.

Cụ là người con ưu tú của vùng đất Kinh Bắc, sớm giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng và trọn đời theo Đảng. Là cán bộ lão thành cách mạng, Cụ kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, như: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc. Rồi Bí thư các tỉnh: Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Thái. Ở đâu, và ở vị trí công tác nào Cụ cũng luôn làm việc hết mình, không bao giờ để công việc bê trễ.

Nhưng tôi nghĩ Cụ cũng có cái tôi riêng. Song cái tôi của Cụ là một trái tim lớn lao dành cho quê hương, con người Thái Nguyên. Bởi sau này, khi rời nhiệm sở về Thủ đô Hà Nội sinh sống cùng con cháu (Khu Đô thị Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), Cụ luôn hướng lòng về Thái Nguyên. Cụ bảo với cánh làm báo chúng tôi: “Thái Nguyên - một phần máu thịt tôi. Nhớ lắm, lúc nào cũng muốn trở lại thăm”.

Đồng chí Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên bùi ngùi: Nhớ lại những năm xưa, lúc Cụ Vũ Ngọc Linh làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (1976-1986), Cụ vừa là lãnh đạo tỉnh, vừa là một người thầy nghiêm khắc, nhưng gần gũi, nhân ái với “cánh học trò” chúng tôi. Cụ luôn khuyến khích chúng tôi vào cuộc, Cụ chỉ bảo: Làm cán bộ Đảng thì không phân biệt việc lớn hay việc nhỏ, mà quan trọng là có làm hay không? Và làm như thế nào để mang lại cho dân nhiều lợi ích nhất?

Cụ đã về chốn Tây phương cực lạc trong niềm đau thương vô hạn. Nhưng lúc này, người dân Thái Nguyên vẫn nhắc nhớ về hình ảnh người Bí thư Tỉnh ủy của một ngày chưa xa, luôn tận tâm, tận lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Công trình thủy lợi hồ Núi Cốc là một minh chứng. Cụ đau đáu, suy tư, động viên cán bộ, nhân dân đồng lòng “vượt nắng, thắng mưa”, cùng quyết tâm xây dựng hoàn thiện. Vì đó là một công trình thủy lợi lớn, bảo đảm đủ nước tưới cho những vùng đất dưới chân nó.

Giây phút lặng đi, đồng chí Nguyễn Ngô Hai nhớ lại: Dạo tôi đang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách lĩnh vực giao thông, công nghiệp, xây dựng, công việc nhiều, song tôi nhớ năm 1981, cầu Gia Bảy (T.P Thái Nguyên) bị hư hỏng, phải thi công sửa chữa mới bảo đảm an toàn. Hiềm nỗi bên Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh và Quân khu 1 thông báo, tại khu vực cầu có 2 quả bom Mỹ ném xuống từ năm 1972 chưa nổ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, rồi lên Tỉnh ủy xin ý kiến Cụ Linh. Cụ bảo: “Cứ làm đi. Khoan trúng bom chưa chắc đã nổ, mà nổ chưa chắc đã chết, hoặc nếu xảy ra sự cố, đi tù, tớ mang cơm cho cậu”.

Giây lát dừng lời như để nhớ lại, đồng chí Nguyễn Ngô Hai tiếp tục câu chuyện: Cụ luôn giản dị, sâu sắc, quan tâm động viên, khuyến khích cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi còn nhớ ngày đang làm Bí thư Tỉnh đoàn, được trên điều động về làm Bí thư Huyện ủy huyện Phổ Yên. Thấy tôi băn khoăn, Cụ gọi đến phòng làm việc, bảo: “Đi đi, mạnh dạn lên, nhân dân chính là người thầy, khó đâu, hỏi đấy”… Bấy giờ Thái Nguyên và Bắc Kạn đang là 1 tỉnh, tỉnh Bắc Thái. Địa bàn rộng, nhưng ở đâu khó khăn nhất, Cụ đều đến thăm hỏi cuộc sống của người dân, động viên mọi người tin tưởng vào công cuộc đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những tuyến đường Ba Bể - Bộc Bố (Chợ Rã); Chợ Mới - Bạch Thông (Bắc Kạn) được khai thông, đều có “bóng dáng” của Cụ.

Cụ Vũ Ngọc Linh đọc Báo Thái Nguyên (tháng 8-2012).

Xúc động nhường nào khi các anh, chị cán bộ lãnh đạo tỉnh và những người làm báo chúng tôi, mỗi lần về Hà Nội thăm Cụ tại nhà riêng, bao giờ Cụ cũng hỏi: Thái Nguyên mình đổi thay nhiều không? Rồi Cụ nhắc: Cán bộ, đảng viên phải phấn đấu từng ngày; tự soi mình từng ngày… Rồi một lần thấy anh chị em làm Báo Thái Nguyên về thăm, Cụ hồ hởi như đón các cháu ruột thịt trong nhà: “Báo Thái Nguyên hả? Nữ làm Tổng Biên tập à?... Giỏi đấy”… Cụ bắt tay từng người, bảo: “Cái nghề này phải nhanh nhạy, sắc sảo, làm sao để các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến sâu rộng với quần chúng nhân dân”… Khi chia tay, Cụ dặn thêm: “Thời bao cấp, tuy kinh tế khó khăn, nhưng Báo luôn làm tốt công tác tuyên truyền. Bước sang cơ chế thị trường hiện nay, Báo Thái Nguyên thực sự phát huy vai trò tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Nhưng các cháu phải cố gắng hơn nữa để tờ báo Đảng thực sự là người bạn của muôn nhà”.

Cụ công tâm trong cuộc sống, công việc, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ dưới quyền. Và khi giao việc thì động viên mọi người phát huy sở trường, hoàn thành công việc được giao. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, Cụ yêu nhân tài, ghét xiểm nịnh và luôn tôn trọng, quan tâm tới anh chị em cán bộ là người dân tộc thiểu số. Và Cụ đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ kế cận năng động, công tâm, trong đó có nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo Trung ương. “Máu thịt” là ở đây. Là ở chính từng công trình mang lại lợi ích cho người dân. Là ở một đội ngũ học trò liêm, chính, chí công vô tư. Cụ về Thủ đô sinh sống cùng con cháu, nhưng lòng còn ở Thủ đô gió ngàn. Và nhân dân Thái Nguyên, Bắc Kạn luôn biết ơn Cụ đã dành tình cảm đẹp, đã hiến dâng trí tuệ mình cho một vùng đất đổi thay, cùng cả nước đi lên.

Tưởng nhớ Cụ - Một cán bộ lão thành cách mạng, một người thầy nhân cách về công tác Đảng, công tác tổ chức cán bộ, chúng tôi viết bài này, nguyện như nén tâm nhang kính dâng người ngàn thu yên nghỉ.