Đối với nhiều cán bộ cũ của tỉnh chúng tôi, ngay từ lúc còn đang công tác và khi đã nghỉ hưu, thường gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Linh bằng bác và xưng em. Là bởi vì về tuổi đời, bác hơn chúng tôi đến cả trên dưới hai giáp. Bác đi làm cách mạng, bị thực dân Pháp bắt đầy đi Nhà tù Sơn La lúc nhiều người trong chúng tôi còn chưa ra đời.
Bác Linh quê ở Bắc Ninh, đã làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc; Phó Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng trước khi được Trung ương điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái năm 1976.
Tỉnh Bắc Thái được hợp nhất từ hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Là căn cứ địa Cách mạng, là An toàn khu (ATK) của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và có những năm là thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc. Năm đầu tiên đồng chí Vũ Ngọc Linh làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái cũng là năm đầu tiên công cuộc cách mạng của dân tộc ta chuyển sang một giai đoạn mới; xây dựng đất nước trong hòa bình, thống nhất tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít. Tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và nhân dân, bác Linh đã nêu tâm nguyện, mong muốn Đảng bộ và nhân dân đoàn kết phát huy truyền thống cách mạng, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa xã hội, nâng cao đời sống của người dân đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới.
Bí thư Tỉnh ủy, người cán bộ lão thành ấy đã làm việc không mệt mỏi. Người ta thấy trong các ngày Chủ nhật, Bí thư Linh tự lái chiếc xe LADA cũ đi về xóm, xã, nhà máy, trường đại học. Ngồi cùng trên xe là các “chuyên gia”, khi là một kỹ sư thổ nhưỡng, khi là một tiến sĩ khoa học, khi là một giám đốc doanh nghiệp. Đến đâu Bí thư Tỉnh ủy cũng hỏi cặn kẽ nhiều điều và trước lúc ra về thường dặn: Có gì mới, có gì hay thì cho biết nhé.
Có lẽ nhiều điều thu lượm được từ thực tiễn đã giúp người bí thư hiểu rõ tình hình và làm nảy sinh các ý tưởng trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương công tác của cấp ủy và chính quyền tỉnh. Suốt những năm làm Bí thư Tỉnh ủy, bác Linh và gia đình ở trong mấy gian nhà cấp 4 cơ quan xây ngay trong khuôn viên Tỉnh ủy.
Ngoài giờ làm việc, bác thường đem những chiếc quạt cũ, đèn bàn cũ, siêu đun nước cũ ra sửa chữa và cải tiến. Gần một nửa căn phòng của bác bày biện đủ thứ dụng cụ của nghề điện, nguội và cơ khí. Cởi bỏ áo ngoài, bác làm việc cặm cụi, tỉ mẩn như một người thợ thực thụ. Có lần, một nhân viên văn phòng đã đem chiếc quạt hỏng đến để nhờ bác sửa hộ. Nhiều khi bác vừa làm vừa trò chuyện với khách đến chơi. Đó là thói quen, là niềm vui và có lẽ cũng là cách vận động, thư giãn sau những giờ suy nghĩ làm việc hành chính căng thẳng.
Nhiều cán bộ, dù chỉ tiếp xúc, làm việc với Bí thư Linh một lần cũng đã có cảm nhận ngay về cách tư duy mạch lạc, cụ thể và phong cách lắng nghe, cởi mở, hòa nhã của bác. Chưa bao giờ thấy bác “đao to búa lớn” trong hội nghị cũng như nặng lời với cán bộ kể từ chị công vụ đến anh lái xe.
Đối với Bí thư, người đứng đầu một tỉnh, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ bao gồm từ phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện, bố trí sử dụng trước mắt và cho cả lâu dài, luôn là một trọng trách. Có thể nói không quá rằng: Cứ nhìn vào đội ngũ các cấp, các ngành trong tỉnh thì biết được tài năng và đức độ của người Bí thư Tỉnh ủy. Trong lĩnh vực này thì Bí thư Vũ Ngọc Linh có những cách nghĩ, cách làm thành công mà trước và sau bác ít người đạt được.
Cùng với kinh nghiệm dày dạn của cuộc sống, của hoạt động cách mạng và tư chất cá nhân, Bí thư Tỉnh ủy có cách nhìn nhận đánh giá cán bộ. Bác thường hay dùng các từ: “thượng sách”; “trung sách” và “hạ sách” để nhận xét việc bố trí cán bộ có “đúng người, đúng việc” hay không.
Rất nhiều cán bộ thời chúng tôi lấy bác làm tấm gương cụ thể mà phấn đấu, rèn luyện. Có thể kể tên nhiền cán bộ đã được bác Linh đào tạo, rèn luyện và dìu dắt trưởng thành trong thời gian 10 năm bác làm Bí thư Tỉnh ủy để rồi sau này họ đều trở thành cán bộ chủ chốt của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đó là các đồng chí: Nguyễn Ngô Hai, Mai Phúc Toàn, Đặng Quốc Tiến, Hà Văn Phụng, Phan Thế Ruệ, Nông Thái Nghiệp, Hà Đức Toàn, Mai Thế Dương, Hứa Đức Nhị, Nguyễn Ân, Phạm Xuân Đương… và nhiều đồng chí khác nữa.
Thời đó, chưa có khái niệm “luân chuyển cán bộ”, nhưng Bí thư Linh đã thực hiện việc đưa cán bộ đầu ngành của tỉnh về làm lãnh đạo huyện để rèn luyện qua thực tế, rồi trở về tỉnh đảm trách công việc nặng nề hơn. Còn nhớ, đồng chí Nguyễn Ngô Hai đang làm Bí thư Tỉnh đoàn, đã được điều động tăng cường về làm Bí thư Huyện ủy Phổ Yên; đồng chí Mai Phúc Toàn là Trưởng ty Công nghiệp tỉnh được chỉ định về làm Phó Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn. Và sau này, hai đồng chí đó đã đảm nhiệm cương vị trọng yếu của tỉnh, một đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy, một đồng chí làm Chủ tịch UBND tỉnh cả chục năm liền. Tiếp thu những kinh nghiệm thành công đó, năm 2000, Tỉnh ủy đã đưa một lúc 6 đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh về làm bí thư ở 6/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Và đến bây giờ người trẻ nhất trong số họ đang còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
Nhưng nếu nói về công lao đóng góp của Bí thư Vũ Ngọc Linh trong việc nhìn ra và dày công bồi dưỡng vun đắp cho cán bộ thì phải kể đến một trường hợp đặc biệt. Đó là một câu chuyện dài, xin vắn tắt: Một thanh niên người dân tộc, sinh ra ở một huyện vùng cao xa xôi hẻo lánh nhất của tỉnh. Là công nhân một lâm trường rồi đi học thành kỹ sư. Bí thư Linh cử đi học chính trị cao cấp, về lại ngành làm Phó trưởng ty, rồi làm Trưởng ty. Ít năm sau được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh khi bác Linh còn đang làm Bí thư Tỉnh ủy.
Có một chuyện thế này: Một hôm Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Linh đến phòng của tác giả bài viết này uống nước. Lúc đó tôi là Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy (Quyết định do Bí thư Linh ký năm 1982). Trong câu chuyện, chợt bác hỏi tôi: Anh hiểu thế nào về tiêu chuẩn của người Bí thư Tỉnh uỷ. Tôi trả lời đại ý: Có hai mẫu người bí thư, một là người bí thư đã hoạt động cách mạng từ hồi bí mật, đánh Pháp, đánh Mỹ gồm cả đời được tôi luyện về lập trường, đạo đức cách mạng và khi được Đảng phân công làm bí thư thì có phong cách làm việc phù hợp. Đó là luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, biết cách làm cho mọi người đem hết trí tuệ và nghị lực ra mà làm việc; là trung tâm đoàn kết, là chỗ dựa tinh thần; biết ủng hộ và khuyến khích các ý tưởng mới có lợi cho dân, cho Đảng của đồng sự và thuộc cấp. Mẫu bí thư thứ hai là người tuổi trẻ, được đào tạo căn bản, có hệ thống, đề xướng và đi đầu trong việc thực hiện có ý tưởng cách mạng mới. Dám đặt cả tương lai chính trị của mình vào những quyết sách lớn, đẩy phong trào của địa phương tiến lên.
Bí thư Linh hỏi tiếp: Anh thấy người ấy thế nào. Tôi biết là bác đã nhằm người cán bộ dân tộc đang ở cương vị Chủ tịch tỉnh. Hai năm sau, khi hết khóa nghỉ hưu, đúng là bác đã chuyển giao chức vụ bí thư cho người chủ tịch trẻ tuổi đó. Rồi theo đà tiến lên, bí thư mới về Trung ương làm Trưởng ban Dân tộc, làm Chủ tịch Quốc hội và rồi làm người đứng đầu của Đảng ta hai khoá liền. Gần hai mươi năm nghỉ hưu trên đất thành phố Thái Nguyên, nhà bác Linh luôn là địa chỉ rất quen thuộc của nhiều người. Các cán bộ lãnh đạo tỉnh đến thăm bác và tham khảo ý kiến về một việc gì đó. Các cán bộ cũ qua lại thăm hỏi, chia sẻ về tình hình thời cuộc. Người già trong tổ dân phố đến thăm hỏi lúc yếu mệt, tất cả đều mở lòng đôn hậu.
Những năm cuối đời, bác Linh về sống cùng con cháu ở Hà Nội, ngày lễ, Tết, lãnh đạo tỉnh về thăm. Lớp cán bộ cũ lâu lâu lại rủ nhau về Thủ đô thăm sức khoẻ bác. Cách đây mấy tháng chúng tôi có chuyến đi về thăm nguyên Bí thư Tỉnh uỷ đã gần trăm tuổi. Thoạt đến, bác chưa nhận rõ ra ai, nhưng khi xưng tên, họ thì bác như bừng tỉnh và những câu chuyện của mấy chục năm về trước như được bung ra thật sôi nổi. Đó là những kỷ niệm khó quên.
Lúc sắp chia tay ra về, bác chủ động và hóm hỉnh hỏi: Các anh chúc tôi gì nào? Và không để mọi người kịp nói, bác đã tươi cười nói trước: Chúc sống vui! Tôi cũng chúc các anh sống vui. Chúng tôi hiểu tuổi già sống vui là hạnh phúc. Bây giờ thì cụ Vũ Ngọc Linh đã trăm tuổi, về với tổ tiên. Hình ảnh của cụ còn in đậm trong lòng chúng ta đó là: Người Bí thư Tỉnh uỷ mẫu mực.