Sáng 22-10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6. Tham dự phiên khai mạc Kỳ họp có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước...
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra từ ngày 22-10 đến 21-11. Tại Kỳ họp, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao, công tác nhân sự và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan. Tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng của năm nay đã đạt được những kết quả rất tích cực. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực. Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng - an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; đồng thời, thảo luận và quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...
Kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung quan trọng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội căn cứ vào tình hình thực tế đất nước và địa phương nơi mình đại diện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020). Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.