Hồi ấy, tôi là một lưu học sinh đang học thạc sĩ về nông nghiệp tại Trường Đại học Chiang Mai - Thái Lan. Từ những ngày đầu của công cuộc “Đổi mới” và “Mở cửa ra thế giới” của Việt Nam, chúng tôi là thế hệ thanh niên đầu tiên được đi học sau đại học ở một nước tư bản.Trong thời gian đó, tôi rất có may mắn được gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười, cuộc gặp ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng, tình cảm vô cùng sâu sắc và nhớ mãi.
Bối cảnh lúc bấy giờ quả thực vô cùng khó khăn, Việt Nam là nước nghèo, Xã hội chủ nghĩa vẫn bị Mỹ cấm vận, rồi “vấn đề Campuchia”,… đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ và tình cảm giữa người Thái Lan, cũng như người nước ngoài khác đối với Việt Nam ta cũng như lưu học sinh Việt Nam. Ở xa quê hương, thông tin liên lạc chủ yếu qua thư từ, thường cả tháng trời mới nhận lại được. Anh em lưu học sinh cũng như kiều bào ở nơi đây luôn mang nỗi nhớ quê hương da diết. Bà con kiều bào ở Thái Lan vô cùng yêu nước, vì chiến tranh họ phải rời xa quê hương đã hàng chục năm trời, họ luôn hỏi thăm về tình hình đất nước, về sự phát triển của quê hương và đùm bọc giúp đỡ chúng tôi.
Một ngày giữa tháng 10 năm 1993, thật là vui mừng chúng tôi được Sứ quán Việt Nam ở Bangkok báo tin Tổng Bí thư Đỗ Mười sang thăm Thái Lan theo lời mời của Vua Thái Lan. Trong lịch trình, Tổng Bí thư có lên thăm Chiang Mai và gặp gỡ bà con Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam. Hôm đó là ngày 18 tháng 10 năm 1993, tại Khách sạn Orchids, Chiang Mai, bà con kiều bào và chúng tôi phấn khởi, mặc những bộ trang phục đẹp nhất, chuẩn bị cờ hoa chờ đón đoàn ở khách sạn từ sáng sớm. Khi đoàn xe của Hoàng gia Thái Lan đưa Bác Đỗ Mười cùng các vị trong Đoàn tiến vào khách sạn, mọi người cùng ùa ra đón. Bác xuống xe, chào hỏi, bắt tay mọi người và cười vui vẻ như thể được về nhà mình.
Trong phòng đón tiếp rất trang trọng, phía trên là một chiếc bàn có cắm nhiều hoa tươi, Bác được Ban Tổ chức mời lên ngồi, nhưng Bác xua tay từ chối và nhẹ nhàng kéo ngay một chiếc ghế ở hàng ghế đầu ngồi gần với chúng tôi. Bác nói: “Tôi ngồi kia xa bà con lắm, chẳng mấy khi được gặp bà con ở đây, tôi ngồi đây cho được gần bà con nghe bà con nói chuyện”.
Cuộc nói chuyện diễn ra thật đầm ấm và gần gũi vô cùng. Đầu tiên Bác hỏi thăm về cuộc sống của bà con thế nào? Con cái học hành ra sao? Cộng đồng người Việt có đoàn kết giúp đỡ nhau không? Khi đại diện bà con Việt kiều phát biểu, Bác chăm chú lắng nghe. Bà con hỏi Bác về tình hình đất nước, về những chuyển biến sau đổi mới. Bác đã cởi mở kể về đồng bào ở quê nhà, từ khi đổi mới đã bắt đầu đủ ăn không còn bị đói như trước, rồi Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu gạo, đất nước đang trên đà phát triển theo hướng kinh tế thị trường đã có nhiều khởi sắc. Sau đó, Bác hỏi thăm về những khó khăn bà con Việt kiều đang gặp phải. Bác đã chia sẻ với bà con rằng: Khi hội đàm với Nhà Vua Thái, Bác đã đề nghị Nhà Vua quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của bà con Việt kiều như xem xét cấp thẻ công dân cho thế hệ thứ hai của Việt kiều ta để bà con yên tâm làm ăn, góp phần xây dựng đất nước Thái Lan và vun đắp cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Bác biểu dương và động viên bà con đã chung tay và tiếp tục góp phần xây dựng đất nước, như phong trào “trăm hoa đua nở để xây dựng đất nước”mà Bác Hồ đã kêu gọi trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước.
Buổi gặp mặt tràn đầy tình cảm ấm áp, niềm hân hoan, tin tưởng của bà con khi được nghe kể về quê nhà, về sự gần gũi thân tình, gần dân của Bác. Và ấn tượng hơn hết, đó là nụ cười của Bác thật hiền hậu, vô tư đã xóa đi mọi khoảng cách, chỉ còn lại những tấm lòng thân thương và tình yêu luôn hướng về Tổ quốc. Nhiều kiều bào bảo “không thể tin nổi lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước mà gần dân, mà thân mật đến thế!”. Nó như nguồn sức mạnh tiếp thêm nghị lực cho bà con, các lưu học sinh chúng tôi tiếp tục kiên trì học tập, nghiên cứu để về xây dựng đất nước sau này.
Kết thúc buổi gặp mặt, ai cũng muốn được chụp ảnh cùng Bác, tuy nhiên, theo lịch trình, thời gian rất eo hẹp, cán bộ bảo vệ của Bác bảo mọi người để Bác ra xe, nhưng Bác đã nán lại và nói “Không vội gì cả, nào bà con cứ chụp thoải mái đi, tôi thật vui, hiếm khi được chụp cùng bà con thế này”. Khi các phóng viên và bà con đã chụp xong, Bác còn nở nụ cười quen thuộc rồi nói đùa “Sao, các đồng chí phóng viên hết điện rồi à? Chụp nữa đi chứ”. Mọi người cùng cười ồ lên thích thú. Đến lúc ấy, Bác mới tạm biệt bà con để tiếp tục chuyến công tác..
Chúng tôi cùng bà con Việt kiều được mời ở lại để nghe ông Lê Công Phụng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Thái Lan, kể câu chuyện về quá trình đàm phán, ngoại giao để Thái Lan mời Bác Đỗ Mười sang thăm và được đón tiếp trọng thị. Nhà vua Thái Lan từ trước chưa bao giờ tiếp khách quốc tế quá 15 phút, nhưng khi tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười, bên cạnh những nghi thức trang trọng, Nhà Vua đã tiếp Bác trong 27 phút. Đây thực sự là “ngoài tiền lệ” điều đó là thể hiện sự trân trọng của Nhà Vua Thái dành cho lãnh đạo Đảng ta. Trong 27 phút ấy, Nhà Vua Bhumibol Adulyadej đã chia sẻ với Tổng Bí thư Đỗ Mười rất nhiều điều về kinh tế thị trường, phát triển kinh tế nhưng phải đi cùng phát triển nông nghiệp, nông thôn quan tâm tới người nghèo, đặc biệt là người dân ở vùng miền núi khó khăn. Nhà Vua đã mời Bác Mười đi thăm một dự án phát triển nông thôn cho 3 huyện miền núi của tỉnh Chiang Mai (Sảm Mườn project), và cũng nhờ lời mời của Nhà Vua Thái mà chúng tôi có may mắn được gặp Bác.
Buổi gặp mặt tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong lòng kiều bào tại Thái Lan và lưu sinh viên chúng tôi một kỷ niệm trân quý, sâu sắc và đáng nhớ vô cùng. Bác là Tổng Bí thư - người lãnh đạo đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng lại có một trái tim ấm áp, cuộc sống giản dị, gần gũi, thân tình. Phong thái kiên định, đĩnh đạc, tự tin của một “Kiến trúc sư đổi mới” và tiếng cười của Bác thật hiền hậu như có một sức hút vô hình động viên chúng tôi cố gắng học tập, lao động, cống hiến cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam yêu quý!
(Theo lời kể của PGS.TS. Hoàng Văn Phụ, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên.)