Đó là mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của nước ta mà của tất cả các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Khái niệm bình đẳng giới vốn được hiểu là sự đối xử công bằng về mặt luật pháp cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ. Có thể nói, chúng ta đang có những bước đi tích cực và đúng hướng.
Đó là mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của nước ta mà của tất cả các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Khái niệm bình đẳng giới vốn được hiểu là sự đối xử công bằng về mặt luật pháp cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ. Có thể nói, chúng ta đang có những bước đi tích cực và đúng hướng.
Công tác bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được những điểm sáng đáng để người dân nói chung và phụ nữ nói riêng tự hào. Người phụ nữ được pháp luật bảo vệ; Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới; tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm… Nước ta cũng là một trong những nước đầu tiên đã ký vào “Công ước Cedaw” nhằm xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Tháng hành động Vì bình đẳng giới và Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức thường niên từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua Tháng hành động, thông điệp về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em được lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp trong xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người.
Đã có nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh, đưa ra ánh sáng để đòi lại công bằng cho nạn nhân. Ngày càng có nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực; nhiều thủ phạm gây bạo lực đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật. Nếu như 10 năm về trước cụm từ “bình đẳng giới”, “phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” còn là xa lạ với người dân thì nay đã được nhắc đến nhiều hơn, ngay cả các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đang tồn tại và ngấm ngầm làm cản trở công tác bình đẳng giới. Ở một số nơi vấn đề chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn diễn ra; cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới; lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình; tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại.
Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phụ nữ thời kinh tế hội nhập không chỉ cần có đủ bốn yếu tố “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” mà còn phải khéo léo, nhạy bén trong sự nghiệp cũng như công tác xã hội. Đây là sự thử thách trong phát triển năng lực, vai trò của phụ nữ đối với xã hội. Vấn đề bình đẳng giới sẽ càng khó khăn nếu chị em không nhận ra điều đó và nỗ lực vượt qua.
Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành, toàn thể cộng đồng cùng cam kết và có hành động cụ thể, thiết thực. Các cấp, các ngành, cộng đồng hãy cùng đồng hành trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Với sự nỗ lực của tất cả cộng đồng, bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em sẽ không còn là trở ngại trong tiến trình phấn đấu đạt được bình đẳng giới.
Nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới. Số nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2017, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 27,2%, cao hơn mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu, được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng đứng thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham gia chính trị; là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới mục tiêu về bình đẳng giới.