Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Mỗi giai đoạn cách mạng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, MTTQ Việt Nam đã có những hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau song luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc.
Là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn, với vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, trong năm 2018 đã phối hợp tổ chức “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”, vận động hỗ trợ 36 xã đặc biệt khó khăn với số tiền 17 tỷ đồng; chủ trì, phối hợp tổ chức chương trình Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) và phát động hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại huyện Phú Lương. Tại chương trình đã vận động, hỗ trợ xây dựng 151 nhà cho hộ nghèo tại các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 với số tiền 4,660 tỷ đồng; phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tại Lễ phát động đã vận động số tiền trên 6,8 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và các chương trình an sinh xã hội huy động được hơn 80 tỷ đồng, từ nguồn Quỹ này đã hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở, tư liệu sản xuất, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi công cộng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đạt được kết quả thiết thực. Năm 2018, Ủy ban MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội đã tổ chức được hàng trăm cuộc giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế cho người nghèo; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới...Thông qua giám sát đã phát huy dân chủ, kịp thời phát hiện những hạn chế, tồn tại để phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn.
MTTQ các cấp phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy tham mưu, chuẩn bị tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã tổ chức được 192 hội nghị, qua đó giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng, các vấn đề bức xúc, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở, tạo sự đồng thuận xã hội, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Ủy ban MTTQ các cấp được thực hiện theo quy định. Từ đầu năm 2018 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp cùng với chính quyền tiếp 3.185 lượt công dân; đã tiếp nhận 568 đơn thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị của công dân, chuyển 402 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Hằng năm, trên địa bàn của tỉnh có 100% khu dân cư tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Phạm Ngọc Chuẩn
Công tác dân tộc, tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc được thực hiện theo phương châm “đúng - đủ - kịp thời”. Hằng năm, MTTQ các cấp phối hợp tổ chức thăm hỏi, chúc mừng các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc trong các dịp lễ, Tết; tổ chức các hội nghị biểu dương người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động của các tà đạo, tổ chức tự xưng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, trở thành đợt sinh hoạt truyền thống về đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, các khu dân cư, liên khu dân cư tổ chức được Ngày hội, thông qua tổ chức Ngày hội tuyên truyền lịch sử, truyền thống của MTTQ Việt Nam, đánh giá biểu dương kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở khu dân cư, góp phần tập hợp, xây dựng đoàn kết trong cộng đồng, làm cho mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng gắn bó, gần gũi hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận thời gian qua còn có những hạn chế: Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội nhất là ở cơ sở còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; công tác nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân có lúc còn chậm, chưa kịp thời; một số phong trào, cuộc vận động chưa đi vào chiều sâu; công tác tuyên truyền, vận động có nơi còn hình thức.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận, thời gian tới, MTTQ các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục quán triệt tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.
Tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai thực hiện thiết thực phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, vận động ủng hộ xây dựng Quỹ "Vì người nghèo”, giúp người nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện có hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tổ chức tốt các Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng thực chất, tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên các lĩnh vực.
Năm 2019 là năm diễn ra Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp chuẩn bị đảm bảo các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 08/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện, cơ sở và Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên lần thứ XV, nhiệm kỳ 2019-2024 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ các cấp. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ Mặt trận tinh gọn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, từng bước khắc phục tình trạng hành chính hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII, Đề án số 09-ĐA/TU ngày 29/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở; phát huy vai trò chủ trì phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ các cấp, vai trò các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo; thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa MTTQ với chính quyền, các tổ chức thành viên, các ngành.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng". Để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ các cấp, góp phần tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đề nghị các cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo đối với công tác Mặt trận; chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ hoạt động hiệu quả.