Liên quan đến Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng chỉ đạo sẽ đưa ra thực hiện theo quy trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; từ đó có đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra chiều tối 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về vấn đề này, Thủ tướng cũng đã nhận được một số ý kiến của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan ngoại giao. Thực ra, việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết và Quốc hội cũng đã thông qua rồi, bây giờ chỉ là xây dựng nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành chi tiết Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2019. Thủ tướng cũng đưa ra vấn đề bảo toàn an ninh mạng và an ninh thông tin truyền thông là rất cần thiết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Vấn đề an ninh lương thực, an ninh trật tự an toàn xã hội nằm trong phạm vi bảo vệ chủ quyền quốc gia là những vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng trong tổng thể vẫn phải bảo đảm môi trường tốt để thu hút đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp. Cho nên, việc xây dựng nghị định này cần hết sức thận trọng.
Thủ tướng chỉ đạo sẽ đưa ra thực hiện theo quy trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. Như vậy, thực hiện quy trình này sẽ dành thời gian 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước và nhân dân. Trong chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử cũng đang phải tập trung để xây dựng văn bản liên quan đến quy định về chia sẻ dữ liệu, ban hành quy định về bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân.
“Chúng ta đang tiến tới Chính phủ điện tử, phải có bảo vệ, nếu không làm tốt thì sẽ bị lạc hậu. Vậy vấn đề công bố, cung cấp, bảo mật như thế nào, trách nhiệm như thế nào sau này sẽ được thể chế hóa, quy định hóa. Chúng ta quyết tâm sớm ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An ninh mạng”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Làm rõ vấn đề liên quan, Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, quy định lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng là phù hợp vì những lý do sau đây:
Một là, đã có hơn 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như: Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil... Ngày 25/5/2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình; các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3. Nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 20 triệu EUR hay 4% doanh số toàn cầu.
Hai là, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google, Facebook đã mở các văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia, Indonesia.
Ba là, phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Facebook, Google đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook…) phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Bốn là, không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các điều ước liên quan của WTO và CPTPP. Cụ thể, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có điều khoản tôn trọng và đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.
Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết thêm, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng hiện do Bộ Công an là đơn vị chủ trì dự thảo và Nghị định đã được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an. Đề nghị các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia đóng góp để Bộ tiếp thu, giải trình và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.
Yêu cầu Bộ GD&ĐT khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của kỳ thi THPT quốc gia
Trả lời câu hỏi liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2019, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Thủ tướng đã kết luận là yêu cầu thực hiện đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương ban hành ngày 4/11/2013, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tại buổi họp báo, liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, về đổi mới kỳ thi quốc gia là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Vấn đề đổi mới kỳ thi, đổi mới ra đề thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Liên quan đến kỳ thi, Thủ tướng đã kết luận là yêu cầu thực hiện đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương ban hành ngày 4/11/2013, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm rõ thêm: Chính phủ cũng đã kết luận yêu cầu Bộ GD&ĐT khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn đọng của Kỳ thi năm học 2017-2018, thực hiện tốt kỳ thi tới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã trình theo tinh thần kỳ thi phải bảo đảm giảm những áp lực, khó khăn và cũng bảo đảm đánh giá đúng độ tin cậy cũng như chất lượng năm học của học sinh.
Phương hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh, đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để có thể là cơ sở xét tuyển đại học. Chính vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong cuộc họp Quốc hội cũng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp để khắc phục: Một là, làm tốt ngân hàng đề sao cho đề thi phù hợp; thứ hai, là bảo đảm tính bảo mật để học sinh có một kỳ thi tốt hơn; thứ ba là giải pháp về kỹ thuật trong công tác coi thi, chấm thi bảo đảm an toàn, sao cho giáo viên chấm thi, nhất là trắc nghiệm, không phải giáo viên của tỉnh mình trực tiếp chấm thi học sinh của mình.
Thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới chậm nhất là vào năm 2021
Về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho hay, yêu cầu phải thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 51 của Quốc hội ban hành ngày 21/11/2017. Trong Nghị quyết ghi rõ lộ trình năm 2020-2021 bắt đầu thực hiện đổi sách giáo khoa tiểu học, chậm nhất là năm 2021 với lớp đầu cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu của THCS; năm 2022-2023 lớp đầu của THPT. Tinh thần Thủ tướng kết luận là yêu cầu Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội, còn việc tổ chức như thế nào thì thực hiện theo đúng yêu cầu của Thủ tướng. Thủ tướng không kết luận phải làm trước hay làm sau, mà yêu cầu thực hiện đúng như vậy, tránh đùn đẩy đưa ra trình Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ giải thích thêm, trong phiên họp Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã trình 2 vấn đề. Một là thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, Chính phủ kết luận sẽ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51 ban hành ngày 21/11/2017. Theo lộ trình này, Nghị quyết ghi rõ, thời gian thực hiện chương trình mới chậm nhất là vào năm 2020-2021 với lớp đầu tiên của cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu tiên của cấp THCS; năm 2022-2023 với lớp đầu tiên của cấp THPT. Chỉ đạo của Chính phủ rất rõ là Bộ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51./.