Về việc sử dụng xe công

13:53, 10/01/2019

Mấy ngày gần đây, sự việc sử dụng xe biển xanh vào khu vực hạn chế tại sân bay quốc tế Nội Bài, thậm chí tới tận chân cầu thang máy bay để đón người nhà của một vị lãnh đạo cấp bộ đã làm nóng dư luận. Từ sự việc trên cho thấy, vấn đề sử dụng xe công sao cho phù hợp, đúng mục đích và tránh gây phản cảm là điều mà mỗi cơ quan, đơn vị Nhà nước cần quan tâm thực hiện cho nghiêm.

Việc đặc quyền, đặc lợi trong sử dụng xe công đón người nhà như ở trên không phải là hiếm, có khác chỉ là không vào tận sân bay mà thôi. Trước nay, đã có nhiều trường hợp sử dụng xe công không đúng mục đích gây phản cảm và lãng phí đã bị người dân và báo chí phát hiện, thông tin trên công luận. Đó là hiện tượng nhiều xe biển xanh rồng rắn đi lễ chùa đầu năm hay dùng xe công đi du lịch, ăn cỗ hoặc làm việc riêng…

Thực tế, mấy năm qua đã có không ít trường hợp bị nhắc nhở, khiển trách nhưng dường như không đủ sức răn đe nên đây đó vẫn tồn tại tình trạng nói trên. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, chi thường xuyên cho bộ máy quá lớn thì việc lãng phí trong sử dụng xe công là điều đáng bàn.

Lý do tại sao lại có nhiều trường hợp lạm dụng sử dụng xe công hoặc sử dụng không đúng tiêu chuẩn là bởi xe gắn biển xanh có sự ưu tiên nhất định. Trên diễn đàn Quốc hội và HĐND ở nhiều nơi đã có đại biểu thẳng thắn cho rằng, đi xe biển xanh vào các cơ quan chắc chắn có sự ưu tiên hơn dù không biết người ngồi trên xe là ai. Ngược lại, không ít trường hợp có vai vế khi đi xe biển trắng vào các cơ quan lại bị hạch sách, gây khó dễ.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi tham gia giao thông hoặc đỗ xe, nếu là xe công thì cũng được ưu tiên hơn, hoặc giả có vi phạm với lỗi nhẹ thì dễ dàng được cho qua… Chính vì điều đó mà đã có tình trạng doanh nghiệp cũng sử dụng xe biển xanh và sử dụng xe hạng sang để gắn biển xe công. Không nói đâu xa, chính trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, ngày còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang là một ví dụ điển hình.

Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi Đảng, Nhà nước ta đang kêu gọi tinh thần nêu gương, tiết kiệm, chống lãng phí thì vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm quy định, nhất là lại rơi vào trường hợp người đứng đầu cấp bộ. Dù vị bộ trưởng này đã viết thư công khai xin lỗi và hứa sửa lỗi, nhưng chắc chắn không chỉ hình ảnh của người đứng đầu bị xấu đi trong lòng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân mà cả tập thể cơ quan bộ cũng bị ảnh hưởng.

Được biết, hiện nay quy định xử phạt đối với trường hợp sử dụng xe công sai mục đích đã có, nhưng trên thực tế xử lý ra sao thì chưa có thống kê cụ thể hay nói đúng hơn là rất ít trường hợp bị xử phạt do mắc lỗi. Một thực tế nữa là, Nghị định thay thế Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công của Bộ Tài chính dù đã trình cấp thẩm quyền từ lâu, nhưng tới nay vẫn chưa được ban hành.

Một số ý kiến cho rằng, trách nhiệm của các ngành chức năng là phải xem tại sao vẫn tồn tại tình trạng sử dụng xe công không đúng mục đích? Câu trả lời là  bao giờ cơ quan quản lý làm chặt, nghiêm minh và công tâm thì mới giải quyết được vấn đề. Do vậy, phải siết chặt quản lý ngay từ mỗi cơ quan, đơn vị, trong đó cần nêu cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người sử dụng xe công có nhận thức đầy đủ về những quy định của Nhà nước đối với tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công. Bởi thực tế, nhiều khi các trường hợp vi phạm lại xuất phát từ ý thức cá nhân của người sử dụng.